Tiếp xúc cử tri 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, giá nước sạch ở Hà Nội hiện ở mức thấp nhất so với quy định nhà nước, chỉ ở mức sàn, thấp hơn các địa phương xung quanh.
Mong người dân thấu hiểu, chia sẻ
Hiện nay, giá bán nước sạch tại Hà Nội đang được áp dụng theo Quyết định số 38 năm 2013 của UBND TP. Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 5.973 đồng/m3; từ trên 10 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3; từ trên 20 đến 30m3 là 8.669 đồng/m3; từ trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.
Giá nước sinh hoạt ở Hà Nội không điều chỉnh từ năm 2013. |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giá nước sinh hoạt ở Hà Nội không điều chỉnh từ năm 2013 trong khi giá đầu vào theo thị trường, đầu ra là bao cấp. Nhà nước dùng ngân sách để bù đắp khoản chênh lệch.
10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng nên giá bán nước sạch đến thời điểm này cơ bản không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, chi phí cấu thành giá bán nước sinh hoạt gồm nguyên, vật liệu (hóa chất xử lý, điện); nhân công (tiền lương, bảo hiểm xã hội, ăn ca); chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); chi phí quản lý doanh nghiệp (tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí an toàn cấp nước... Vì vậy, việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu cấp thiết.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn cử tri thấu hiểu, chia sẻ khi thành phố điều chỉnh giá nước sạch trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Được biết, Sở Tài chính Hà Nội đã gửi UBND TP Hà Nội tờ trình phương án dự kiến tăng giá nước sinh hoạt tại Hà Nội từ ngày 1/7. Cụ thể, đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.
Tại tờ trình, Sở Tài chính khẳng định phương án điều chỉnh giá nước này "cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân". Việc tăng giá xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh việc quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m3 đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá.
Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các địa điểm trên.
Nhà đầu tư không mặn mà rót vốn
Đáng lo ngại, việc chưa tăng giá nước sạch khiến quá trình thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Hầu hết nhà máy nước ngầm của thành phố đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao. Các nhà máy này đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà là một trong 6 đơn vị cung cấp nước sạch cho TP Hà Nội. |
Còn các nhà máy nước mặt đang vận hành do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
Được biết, Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.
Với giá nước như hiện nay, các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp không thực hiện dự án, hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ do áp lực chi phí vốn, do giá nước hiện hành chỉ "đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận".
"Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố", Sở Tài chính Hà Nội cho biết.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh giá đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm xây dựng Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND cách đây 10 năm cơ bản là nước ngầm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chất lượng nước và công nghệ nước khác, do đó cần phải điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp. Giá được điều chỉnh dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư, tính giá đúng, tính đủ cho các đơn vị.
Đồng thời, Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn, ngoại thành sẽ được sử dụng nước sạch vào năm 2025, song hiện vẫn còn 149 xã chưa được kết nối với mạng cấp nước của thành phố. Trong đó, 28 xã thuộc khu vực địa hình khó khăn, chưa có nhà đầu tư; 105 xã đã giao dự án cho nhà đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 nhưng chưa thực hiện...
Để khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2023 - 2025, TP Hà Nội đã xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày, đêm) và Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000m3/ngày đêm lên 600.000m3/ngày đêm. Đồng thời, triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đuống.
Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các địa phương: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã)...
Đảm bảo công khai, minh bạch
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, việc tăng giá nước sạch là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã đưa ra: đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%.
Bên cạnh đó, ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg vể tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Trong đó, quan điểm, chỉ đạo, các giải pháp cụ thể là: “… ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là các khu vực khô hạn thiếu nước, nhiễm mặn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…”. Do đó, việc tăng giá nước sạch để nâng cao năng lực cấp nước, chất lượng nước phù hợp.
Mặt khác, theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Cụ thể, Hà Nội dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 504.000 m3/ngày đêm và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngày đêm.
Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Do đó, việc tăng cường khai thác nguồn nước mặt để thay thế dần nguồn nước ngầm là hướng đi phù hợp. Và trong hoàn cảnh hiện nay, để thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung cấp nước sạch thì việc tăng giá nước sạch là điều hợp lý góp phần hoàn thành các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội đã đặt ra. Bởi, nếu cứ giữ mức giá đã tồn tại cả chục năm nay, nhà đầu tư sẽ không mặn mà, sẽ quay lưng với lĩnh vực này vì làm không đủ bù lỗ.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, với những tính toán của doanh nghiệp thì việc tăng giá nước sạch là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá cần được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của việc tăng giá nước sạch đến đời sống. Việc tăng giá cần phải phù hợp để không gây lo ngại cho người dân.
Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý thu hút đầu tư tư nhân để có thể mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện các khuôn khổ, quy định cho thị trường.
Nguyệt Ánh