Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội sẽ tính toán điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên giá nước sạch ở 10m3 đầu tiên, đặc biệt cho người nghèo, người dùng nhiều nước sạch sẽ phải trả giá cao hơn. Đó là đề xuất của Sở Tài chính TP Hà Nội trong văn bản vừa trình lên UBND Hà Nội.
Minh bạch khi tăng giá
Cơ quan này cho rằng đề xuất tăng giá nước sạch sinh hoạt là cần thiết sau nhiều năm chưa được điều chỉnh, nhằm đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng nước, và thu hút đầu tư của xã hội.
Lo ngại giá nước tăng sẽ gây sức ép về đời sống kinh tế của người dân, cơ quan này đã có mức phân tích cụ thể. Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt bình quân trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng lên mức 11.911 đồng/m3. Còn sang năm 2024, giá mặt hàng này được tăng 12% so với cuối năm lên 13.323 đồng/m3.
Cụ thể, 10m3 đầu tiên có giá là 7.500 đồng/m3; từ trên 10m3 – 20m3 là 8.800 đồng/m3; từ trên 20m3 – 30m3 là 12.000 đồng/m3; trên 30m3/tháng là 24.000 đồng/m3. Và đến năm 2024, tùy theo lượng sử dụng, giá nước sẽ tăng tương ứng từ 1.000 - 4.000 đồng/m3.
Việc tăng giá được lý giải sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Thủ Đô. |
Đánh giá tác động của việc tăng giá nước như đề xuất mức nêu trên, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng với nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở nội thành đang ở mức 100 - 150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ là 10 – 16m3/hộ/tháng. Theo đó, số tiền phải chi thêm: 15.000 - 26.000 đồng/tháng.
Tại khu vực nông thôn, mức tiêu dùng 50 - 70 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ là 6 - 8m3/hộ/tháng. Theo đó số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng. Còn nếu hộ dùng nhiều từ trên 20 – 30m3/tháng, số tiền phải nộp thêm mỗi tháng khoảng 66.000 đồng.
Đại diện phía Hà Nội cũng cho rằng việc tăng giá nước sạch như đề xuất cơ bản không tác động đến đời sống và thu nhập của người dân.
Bởi tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%.
Ngoài ra, nước sạch cho đơn vị kinh doanh, dịch vụ, Sở Tài chính TP Hà Nội cũng đề xuất tăng thêm 5.000 đồng/m3 lên 27.000 đồng, áp dụng trong 6 tháng cuối năm. Đến năm 2024, giá nước cho đối tượng này cũng dự kiến sẽ tăng lên 29.000 đồng/m3.
Nhiều nguyên nhân cần tăng giá nước
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng giá nước, Sở Tài chính cho biết hiện nay các chi phí cấu thành giá nước đều tăng và các cơ chế chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nên giá nước đến thời điểm hiện nay cơ bản không đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước.
Cụ thể là tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 2.350.000 đồng/tháng (năm 2013) lên 4.680.000 đồng/tháng-căn cứ Nghị định số 38/2022/NĐ-CP; mức lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, chi phí điện tăng bình quân từ 1.437 lên 1.864 đồng/kwh. Các loại thuế, phí cũng tăng trong 10 năm qua. Chẳng hạn như thuế tài nguyên khai thác nước ngầm năm 2013 quy định 3% đến nay là 5%. Điều này đã làm chi phí thuế tài nguyên tăng 222,2 lần so với phương án được duyệt năm 2013…
“Nếu không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như: làm chậm tiến độ của các dự án đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy định cấp nước”, đại diện đơn vị này cho biết.
Bên cạnh đó, việc giá nước thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay của các nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến các dự án tuyến ống cấp nước sạch theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến việc tái đầu tư, nâng cao chất lượng nước của các nhà đầu tư. Việc này cũng khiến khó thu hút các nhà đầu tư nước sạch mới
Và một trong những điều dễ nhận thấy nhất đó chính là nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cơ học, đời sống của người dân càng được nâng cao. Đi liền với đó sẽ là những yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao thì nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế.
So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, khai thác nguồn nước ngầm giảm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần thay thế các giếng ngầm không bảo đảm chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.
Bên cạnh đó, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cung cấp nước. Khi các doanh nghiệp cung cấp nước bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô… Việc tăng giá cũng khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước sạch và chống thất thoát.
Do vậy, theo sở Tài chính thành phố Hà Nội, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong quản lý, sản xuất kinh doanh nước sạch.
Minh Nhương