Việc tham gia một nền tảng thương mại điện tử còn đi kèm rủi ro làm mất cảm giác độc quyền, vốn là một yếu tố cơ bản trong kinh doanh các thương hiệu cao cấp.
Tiếng xấu khó gột bỏ
Tham dự một hội nghị kinh doanh thời trang ở Thượng Hải, Giám đốc điều hành Gucci - ông Marco Bizzarri, đã chia sẻ rất thật rằng: "Thẳng thắn mà nói, trên hầu hết các nền tảng thương mại điện tử hiện nay có rất nhiều hàng giả và tôi không muốn tiếp tay cho hàng giả chỉ vì hợp tác với các nền tảng này… Thay vì mạo hiểm, tôi sẽ chờ đợi". Gucci hiện thuộc sở hữu của Kering - tập đoàn thời trang cao cấp của Pháp, với doanh thu năm 2017 đạt khoảng 6 tỷ euro.
Quan điểm rõ ràng là vậy, song vị CEO này cũng không hề giấu giếm chuyện đã liên lạc với cả Alibaba và JD.com để bàn về các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Về phía các sàn thương mại điện tử, nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tìm kiếm lợi nhuận cao và nâng tầm uy tín, những tập đoàn lớn đã và đang tiếp cận nhiều thương hiệu cao cấp.
Năm 2017, nền tảng TMall Luxury Pavilion của Alibaba đã xuất hiện nhiều thương hiệu đình đám như Burberry, Hugo Boss, Tiffany hay Moschino. Trong khi đó, JD.com hợp tác với Saint Laurent và Alexander McQueen (thuộc sở hữu của Kering), cũng như nền tảng thương mại điện tử Farfetch của Anh.
Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc nói chung từ lâu đã mang tiếng xấu là tiếp tay bán hàng giả tràn lan trên các nền tảng của mình.
Alibaba hẳn chưa quên rằng năm 2015, doanh nghiệp từng bị Kering đâm đơn kiện với cáo buộc khuyến khích hàng nhái và trục lợi từ việc này. Thời điểm đó, một số thống kê cho thấy Taobao, trang web thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba, có gần 2.000 người bán hàng không phép bán những sản phẩm Gucci, và có gần 85.700 sản phẩm không phép của Gucci, mà rất nhiều trong số đó là hàng nhái. Năm 2016, chính phủ Mỹ thậm chí còn đưa Taobao vào danh sách đen.
Tuy nhiên, đến năm 2017, Kering bất ngờ rút đơn kiện và hai bên ra tuyên bố chung rằng sẽ thành lập một nhóm công tác đặc biệt để phát hiện và xử lý những người bán hàng giả trên các trang web thương mại điện tử của Alibaba, giúp bảo vệ các thương hiệu của Kering khỏi bị xâm hại.
Tỷ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba, cũng kêu gọi các nhà lập pháp Trung Quốc có những quy định mạnh tay hơn đối với những kẻ sản xuất và buôn bán hàng giả, như tăng án tù và tăng mức phạt tiền.
Hàng nhái, hàng giả đã trở thành "quốc nạn" ở Trung Quốc |
Độc quyền kinh doanh xa xỉ phẩm
Theo thống kê của công ty tư vấn Bain, số tiền mà thị trường Trung Quốc chi tiêu mua sắm hàng "sang chảnh" đã tăng 20% trong năm 2017, đạt mức 142 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 20,5 tỷ USD), biến nơi đây trở thành thị trường lớn nhất thế giới cho xa xỉ phẩm. Kênh thương mại điện tử đóng góp 9% trong số đó, so với mức 6% hồi năm 2015.
Trong khi các thương hiệu của Italia tỏ ra khá thoáng trong việc bắt tay với các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, thì những tên tuổi lớn hơn đến từ Pháp lại giữ thái độ dè chừng, cảnh giác.
Chỉ có một số ít các thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH - đáng chú ý có Loewe của Tây Ban Nha, là chấp nhận đẩy hàng lên các trang thương mại điện tử Trung Quốc.
Cũng giống như Louis Vuitton (của LVMH) và Prada, Gucci hiện mới chỉ bán sản phẩm trực tuyến tại Trung Quốc trên trang web của chính mình.
Ông Bizzarri cho biết việc tham gia một nền tảng thương mại điện tử khác có thể làm mất đi cảm giác độc quyền, vốn là một yếu tố cơ bản trong kinh doanh các thương hiệu cao cấp.
"Chúng tôi phải bảo đảm duy trì cảm giác sang trọng, nhận thức về sự sang trọng, và yếu tố độc quyền… đó là chìa khóa của chúng tôi. Chúng tôi muốn bảo đảm thương mại điện tử không làm ảnh hưởng đến điều đó", ông Bizzarri nói.
Hải Châu