Tính đến nay, Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã rót tổng cộng 4 tỷ USD để mua Lazada nhằm tự điều hành trang thương mại điện tử (TMĐT) này.
Alibaba đang có kế hoạch mở rộng thị trường vào Đông Nam Á, trong đó đặc biệt chú ý đến thị trường Việt Nam thông qua Lazada (chiếm đến 1/3 thị phần TMĐT của Việt Nam, thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng, có hơn 2.000.000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng).
"Bóng ma" Alibaba
Như chia sẻ của ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh công ty Haravan, kho ngoại quan của Alibaba đã xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn 2 năm và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong 1 – 2 năm nữa.
Trước đó, Lazada đã công bố bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và… Trung Quốc! Như vậy, điều gì đến cũng đã đến, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688… rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada phân phối đến người tiêu dùng Việt Nam tại mọi miền và ngóc ngách của đất nước.
Ông Tiến đưa ra cảnh báo là doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt khi hàng hóa ngoại nhập từ Trung Quốc tràn vào theo con đường TMĐT.
Điều này được cho là cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch… chứ không chỉ riêng bán lẻ, bởi người Việt cũng có thể dễ dàng đặt gia công, booking tour du lịch thông qua các công ty của các nước khác như: Traveloka, booking…
Nguy cơ lớn nhất của các DN Việt hiện giờ trước "hàng Trung Quốc online" là trong lúc các mối đe dọa và nguy cơ tiềm ẩn đang hành động rất nhanh" thì các DN Việt chưa có hành động thực tiễn. Và khi "đối thủ" đã đến bên "cửa nhà", chúng ta mới bắt đầu hành động và nhận biết việc này thì đã quá muộn.
Giới chuyên gia bày tỏ sự quan ngại về việc Alibaba không chỉ đưa sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam mà còn mang theo cả văn hóa mua sắm trực tuyến Trung Quốc.
Đặc biệt, không chỉ "Alibaba để mắt tới thị trường Việt Nam mà còn có Shopee, với công ty mẹ chính là "gã khổng lồ" internet Trung Quốc Tencent, cũng nhắm đến. Tencent đã có những dấu ấn đầu tiên tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, thông qua chiến lược miễn phí vận chuyển cho khách hàng.
Ngoài nỗi lo hàng Trung Quốc tràn vào ồ ạt, thêm một quan ngại khác là việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc thông qua ví điện tử Alipay (do Alibaba sở hữu và phát triển) trên kênh bán hàng online và các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Thị trường Việt trước nỗi lo hàng Trung Quốc sẽ tràn vào qua kênh Alibaba |
Ám ảnh ví điện tử Alibay
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, bày tỏ sự quan ngại về việc thị trường Việt Nam đang bị DN Trung Quốc sử dụng một kênh xuyên biên giới của họ để thanh toán tiền mua bán hàng bằng NDT khi mua hàng hóa tại Việt Nam.
"Không có nước nào trên thế giới cho phép xài tiền mà không phải bằng đồng tiền chính của nước mình. Đó là tuyệt đối cấm. Nhưng các nhà hàng hay các đơn vị mua bán của chúng ta hiện nay vẫn treo bảng nhận NDT. Khi họ nhận thì cũng không trả tiền mặt, mà tính toán xong rồi chuyển thẳng về Wechat Pay và ví điện tử Alipay ở bên Trung Quốc" – bà Hạnh cho biết.
Với việc thanh toán kiểu này, tiền từ thẻ ngân hàng hay ví điện tử của người mua Trung Quốc sang thẳng ví điện tử và tài khoản ngân hàng của người bán tại Trung Quốc chứ không về Việt Nam, nhà quản lý Việt Nam không quản lý được giao dịch và thất thu thuế.
Theo lời bà Hạnh: "Mình mất tiền bán, không tính được doanh số, lại càng mất luôn thuế và ngày càng rộng ra trong một bối cảnh khá là khinh nhờn luật pháp về thanh toán ở Việt Nam, nhất là khi giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể đạt 100 tỷ USD trong năm nay".
Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ thêm, hàng ngày nhận bản tin từ Alibaba thấy họ đang rất hồ hởi là triển khai thanh toán điện tử tại Việt Nam. Việc triển khai này được họ mở rất rộng tại các cửa hàng, đại lý thanh toán ở Việt Nam mà không thông qua Ngân hàng Nhà nước.
Các tỉnh miền Trung được cho là đã có những điểm kinh doanh treo bảng chấp nhận thanh toán bằng Alipay và Wechat Pay.
Nhiều người cho rằng Alibaba sẽ làm ở Việt Nam giống như đã thực hiện ở Indonesia, Malaysia hay Philippines: tăng cường nhập hàng của họ từ Trung Quốc về phân phối, bán hàng ở Việt Nam và sẵn sàng bỏ số vốn lớn để khuyến mãi tối đa, sau đó việc thanh toán, trả tiền cũng qua kênh xuyên biên giới.
Cuối cùng, chắc chắn hệ thống các siêu thị cũng như các trang TMĐT của Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn. Alibaba đã thắng lợi ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á với cách làm như vậy.
Thế Vinh