Cụ thể, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ ngày 12/9: xăng E5RON92 giảm 1.120 đồng/lít về 22.230 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 1.020 đồng, về mức 23.210 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, về mức 24.180 đồng/lít; mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.030 đồng, về mức 24.410 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng/kg.
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh từ 15 giờ chiều ngày 12/9. |
Như vậy, sau phiên điều chỉnh chiều 12/9, giá xăng vẫn rẻ hơn giá dầu. Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451-493 đồng/lít, còn dầu là 90-741 đồng/lít hoặc kg.
Trước đó, ngày 5/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm 370 - 430 đồng/lít với mặt hàng xăng, trong khi mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng thêm từ 1.390 - 1.430 đồng/lít. Kết quả, giá dầu diesel đã lần đầu tiên vượt giá xăng.
Sau điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng/lít, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng. |
Trong một diễn biến liên quan tới thị trường xăng dầu thời gian gần đây là việc Bộ Công Thương tạm hoãn tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Cụ thể, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Tổng số tiều phạt là 13.340.000.000 đồng.
Ngoài việc phạt tiền, Thanh tra Bộ Công Thương cũng có 5 quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro). Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Khi 5 doanh nghiệp này đã bị tước quyền, theo Điều 9 Nghị định 83, họ không còn 19 quyền hạn trong kinh doanh xăng dầu, bao gồm không chỉ việc không được xuất nhập khẩu xăng dầu mà cũng không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác.
Vì vậy, Bộ Công Thương quyết định tạm hoãn tước giấy phép kinh doanh với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trên, thay vào đó sẽ chọn thời điểm phù hợp để thực hiện.
Nguyên nhân được Bộ Công Thương đưa ra là do việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa), do đó sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
Thy Lê