Không chỉ một số địa phương phía Nam gặp khó trong vấn đề cung ứng xăng dầu, trong hai ngày qua, tại TP.Hà Nội cũng đã xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì hết hàng. Đơn cử, 16 giờ chiều ngày 6/9, tại cây xăng HFC, số 4 Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng), TP.Hà Nội treo hết xăng, thời gian nghỉ khá dài kéo dài tới 22 giờ đêm cùng ngày.
Khó điều chỉnh giá theo ngày
Sáng ngày 7/9, cũng tại cửa hàng xăng dầu của Công ty CP xăng dầu (HFC) nhưng ở phố Trần Vỹ (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) treo biển hết xăng, chỉ bán dầu. Điều này khiến người dân đi đường gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm địa điểm cung ứng nhiên liệu, dẫn tới hiện tượng người bán xăng nhỏ lẻ tự phát xuất hiện, bán với giá cao hơn để kiếm lời.
Dòng người xếp hàng dài ở trạm xăng Quân đội MIPECORP trên đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) chờ mua, song cây xăng chỉ mở 2 trụ bơm cho xe máy. |
Thực tế, những bất ổn ở thị trường xăng dầu được xác định là do chiết khấu, hay còn gọi là hoa hồng giữa đại lý bán lẻ và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng còn có một nguyên nhân nữa là thời gian điều hành xăng dầu 10 ngày/lần đang khiến giá xăng dầu trong nước chưa tiệm cận với thế giới, dẫn tới tình trạng găm hàng vẫn xảy ra.
Cuối tháng 8 vừa qua, 24 DN kinh doanh xăng dầu đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND TP.HCM, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan để "trải lòng" về tình hình hoạt động và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc điều hành. Trong đó, các DN trên có kiến nghị rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24 giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để tránh tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm.
Theo ông H, một thương nhân kinh doanh xăng dầu, từ khi áp dụng Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ năm 2022 đã bộc lộ những hạn chế, chẳng hạn như kỳ điều hành ngày 1, 11, 21 hằng tháng thường hay rơi vào các kỳ nghỉ lễ như Tết Nguyên đán, Quốc tế lao động 1/5 hay Quốc khánh 2/9 nên phải kéo dài kỳ điều hành. Do vậy, nên chăng cơ quan quản lý có thể điều chỉnh xăng dầu vào các ngày 5, 15, 25 hằng tháng.
Về phương án điều hành xăng dầu 1 ngày/lần, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng khó khả thi, bởi việc điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn đang dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Hơn nữa, việc điều hành bắt buộc dự trữ phải có. “Anh mua bao nhiêu là việc của anh, nhưng anh phải dự trữ đủ thời gian đảm bảo an toàn theo quy định. Trong khi thời gian điều hành hiện nay đã ngắn hơn cả mức dự trữ quy định là 15 ngày”, ông Phong chia sẻ.
Về việc giá xăng dầu trong nước có độ trễ so với giá xăng dầu thế giới là nguyên nhân khiến các DN xăng dầu thua lỗ nặng thời gian qua, ông Phong cho rằng điều này là không đúng bởi khi đã phải dự trữ ở mức đảm bảo đủ thời hạn quy định thì DN mua theo giá cũ làm sao mà lỗ? chưa kể DN còn lãi khi giá lên cao.
Băn khoăn về giá trần cho xăng dầu
Chia sẻ với VnBusiness ngày 7/9, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng về nguyên tắc điều hành 10 ngày/lần thì DN phải xây dựng phương án kinh doanh trong 10 ngày đó. Trước đây, thời gian điều hành là 30 ngày/1 lần, sau rút xuống 15 ngày/lần, giờ xuống 10 ngày/lần, chứ không phải 1-2 ngày rồi tăng lên 10 ngày/lần mà DN không có giải pháp ứng phó với câu chuyện lời hay lỗ, khi giá xăng dầu thế giới biến động quá lớn.
Ông Bảo cũng nói rằng, thời gian điều hành xăng càng ngắn sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với thị trường thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải xem xét tới phương án thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu. Đương nhiên, kinh doanh xăng dầu ở thời điểm khi giá thế giới “nhảy múa” thì rủi ro đến cho DN lớn, nhưng đã làm ăn thì phải chấp nhận.
Đứng trên góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, nhìn chung xăng dầu đã hội tụ đầy đủ cơ chế thị trường nên chăng Nhà nước để cho DN định giá trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở Nhà nước ban hành.
"Hiện Nhà nước đang định giá bán, song có thể xem xét xây dựng giá trần cao hơn giá bán để DN tự động điều chỉnh giá. Giá thế giới tăng - giảm thì DN có thể tăng giảm một vài phần trăm là quyền của DN, điều này sẽ tạo ra cơ chế thị trường. Lúc đó DN chủ động hơn, mà Nhà nước vẫn quản lý được thị trường vì có giá trần", ông Bảo lý giải
Thực tế đề xuất quy định giá trần đối với xăng dầu đã từng được đưa ra vào năm 2013. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh từng cho rằng Nhà nước phải quy định giá trần bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng đối với mặt hàng xăng dầu. Thời điểm đó, ông cho rằng một khi đã có giá trần, các DN xăng dầu buộc phải cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa để có lãi.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chia sẻ với VnBusiness, ông Ánh nêu quan điểm hiện nay việc áp giá trần là khó. “Nếu tôi nhớ không nhầm, giá trần đối với xăng dầu đã được áp dụng thử cách đây khoảng 5-6 năm, nhưng giá trị thực tế không lớn vì DN vẫn đưa giá bán áp sát giá trần, không chênh khỏi giá trần là bao nhiêu cả”, ông chia sẻ.
Theo ông Ánh, việc áp dụng giá trần với xăng dầu ở thời điểm hiện nay rất khó vì hệ thống kinh doanh xăng dầu đang bị chi phối bởi một số DN đầu mối lớn như Petrolimex, cùng một số “ông lớn” khác. Việc thị phần Petrolimex và một số DN lớn giữ vị trí thống lĩnh thị trường sẽ không có tính cạnh tranh lẫn nhau.
“Do vậy, giá trần hay sàn thì chúng ta chưa bàn mà phải tạo ra thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự, lúc đó mới bàn tới cơ chế giá bởi vì giá trần sẽ không có giá trị nếu giữa các DN đó không có sự cạnh tranh” , vị chuyên gia này lưu ý.
Ông Nguyễn Đức Chi Thứ trưởng Bộ Tài chính Thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng Quỹ Bình ổn giá có thiệt thòi cho người tiêu dùng và DN. Về phía Bộ Tài chính, tôi cho rằng Quỹ là công cụ giảm chấn trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc hoặc giảm mạnh trên thị trường thế giới, giúp quyền lợi của người tiêu dùng và DN được đảm bảo. Tuy nhiên, khi soạn thảo Dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số phương án khác nhau để chúng ta cùng suy nghĩ và đánh giá liệu có nên giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu hay không? Hoặc thay đổi bằng cách không giữ nữa. Chúng tôi rất mong nhận được đóng góp ý kiến, phân tích điểm mạnh yếu của các phương án để Bộ Tài chính lắng nghe và đánh giá, lựa chọn phương án hợp lý. Ông Nguyễn Minh Đức Ban Pháp chế (VCCI) Việc điều hành giá xăng từ lúc 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày 1 lần vẫn không theo kịp biến động giá trên thị trường thế giới. Dẫn tới, câu chuyện chiết khấu 0 đồng chỉ là cách để các DN đầu mối tăng giá bán buôn theo đà tăng của thế giới. Đương nhiên khi đầu mối đã tăng giá bán buôn, mà giá bán lẻ không được điều chỉnh thì bên bán lẻ không muốn làm. Kết quả là thiếu xăng. Cứ trước mỗi lần điều chỉnh giá, nếu thấy giá thế giới trên thị trường quốc tế tăng cao, thì nhà cung cấp sẽ bán cầm chừng, qua đợt điều chỉnh giá rồi mới bán để hưởng doanh thu cao hơn. Ông Nguyễn Tiến Thỏa Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Vấn đề nổi cộm nhất là điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì lùi sang ngày khác. Quy định đó làm cho giá trong nước luôn lệch pha với giá thị trường thế giới bởi giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước không tăng theo. Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho DN và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi. |
Lê Thúy