Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Nghị quyết về triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện, các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (PVN) có 1 tổ máy gặp sự cố kéo dài. |
Bên cạnh đề nghị khắc phục sự cố của các tổ máy điện, EVN cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp đủ than, khí, dầu cho các nhà máy điện để huy động theo nhu cầu hệ thống.
Bên cạnh đó, EVN chỉ đạo các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3, các công ty phát điện trực thuộc chủ động làm việc với các nhà cung cấp nhiên liệu, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai mua sắm nhiên liệu theo quy định, báo cáo EVN các vấn đề vượt thẩm quyền (nếu có) để xem xét hướng dẫn/giải quyết, trong mọi tình huống phải đảm bảo đầy đủ nhiên liệu cho vận hành nhà máy điện theo nhu cầu hệ thống (Quảng Ninh, Uông Bí MRR, Duyên Hải 1, Hải Phòng, Ninh Bình, Vĩnh Tân 2, Thái Bình 1…).
Đồng thời, các Tổng công ty phát điện trên giám sát, đôn đốc các đơn vị quản lý vận hành/sửa chữa, nhà thầu trong việc khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy/lò đang bị sự cố (S1 Nghi Sơn 1, S1 - 4 Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, L1B Mông Dương 1, GT13 Phú Mỹ 1…) và khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, nhiệt độ nước làm mát đầu ra (Quảng Ninh, Duyên Hải 3, S5 Phả Lại 2. S1 Hải Phòng, Mông Dương 1, ...).
Các Tổng công ty phát điện trên cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và tình hình thủy văn, đặc biệt là các bản tin dự báo trong thời kỳ xuất hiện các cảnh báo về hiện tượng El Nino. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và phương án vận hành hồ trên cơ sở ưu tiên việc điều tiết nước, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước.
EVN cũng chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện các giải pháp quản lý kỹ thuật, đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện, tăng cường công tác quản lý kỹ thuật trong giai đoạn cao điểm về cung ứng điện, hạn chế sự cố bất thường trên lưới điện, đặc biệt là các đường dây liên kết hệ thống điện miền, các đường dây/trạm biến áp phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện, đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, giảm tổn thất điện năng.
Bên cạnh đó, EVN yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) thường xuyên cập nhật thông tin khí tượng thủy văn, tình hình cung cấp nhiên liệu và tình trạng khả dụng tổ máy của các nhà máy điện, huy động tối ưu, hợp lý công suất và điện năng các nhà máy điện, vận hành lưới điện truyền tải, phân phối an toàn, ổn định, tin cậy, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng.
"EVNNLDC cập nhật các kịch bản điều hành cung ứng điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, bao gồm cả kịch bản thiếu nguồn điện dẫn đến phải ngừng, giảm cung cấp điện và tổ chức thực hiện đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định, giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân", Nghị quyết của EVN nêu rõ.
Đặc biệt, EVN yêu cầu các đơn vị thành viên chuẩn bị báo cáo và các hồ sơ, tài liệu kèm theo để phục vụ làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương về quản lý và cung ứng điện của EVN (Đoàn thanh tra).
"Căn cứ các quy định của pháp luật, hướng dẫn/chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, quy định của EVN và quá trình chỉ đạo điều hành, Tổng giám đốc quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra", Nghị quyết trên nêu rõ.
Thy Lê