Thông tin 1.000 con gà sắp đến thời gian xuất chuồng bị chết do ngạt khí vì mất điện đột ngột ở một trang trại tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) với thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng không khỏi khiến nhiều người xót xa, đồng nghĩa tài sản của người nông dân “đổ sông đổ bể”.
Những hệ quả từ thiếu điện, mất điện
Ông Cao Văn Thìn, Chủ trang trại chăn nuôi gà trên cho biết, thiệt hại gần 100 triệu đồng là con số quá lớn với một nông dân như ông. Bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của, vốn liếng của gia đình đổ vào đầu tư chăn nuôi lứa gà này tiêu tan.
Trong kịch bản cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất lên tới khoảng 1.600 – 4.900 MW. |
Hay những ngày này trên các diễn đàn du lịch Quảng Ninh, nhiều du khách đặt băn khoăn có nên đến đây khi địa phương này xảy ra tình trạng mất điện liên tục trên diện rộng. Tình trạng mất điện trong những ngày qua khiến nhiều du khách, cơ sở lưu trú ở TP.Hạ Long khốn đốn vì du khách đòi trả phòng.
Mùa Hè - cơ hội để những nhà nghỉ, khách sạn hồi phục sau kỳ “nghỉ đông” dài vì Covid-19 nhưng sẽ bị “bóp nghẹt” nếu tình trạng mất điện không được chấm dứt. Thay vì triển khai các dịch vụ tốt nhất để phục vụ du khách, ngành du lịch, nghỉ dưỡng Quảng Ninh lại đang phải căng mình tìm giải pháp đối phó mất điện… đủ cho thấy những hậu quả về việc thiếu điện, mất điện những ngày qua.
Đối với khu vực sản xuất, mất điện cũng đang đẩy doanh nghiệp vào tình huống “dở khóc, dở cười”. Một công ty luyện thép ở tỉnh Thái Nguyên vừa có công văn khẩn gửi Sở Công Thương Thái Nguyên để phản ánh về những khó khăn gặp phải do mất điện. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này nhận được thông báo cắt điện quá gấp. Do mất điện đột ngột đã khiến doanh nghiệp không đủ thời gian để ra gang và xỉ trong lò cao, chuyển điện máy phát và thổi đúc hết gang lỏng tồn ở xưởng thép nên đã gây ra nhiều sự cố. Nếu không thể khắc phục được thiết bị hư hại và vận hành lại thì lò cao sẽ “đắp chiếu”, không thể sử dụng được, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Bắc Giang – một trong những địa phương được đánh giá là rất năng động trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, địa phương này cũng đang “căng mình” để đảm bảo cung ứng điện cho người dân và khu công nghiệp.
Tại cuộc họp trực tuyến về việc cung ứng điện mùa nắng nóng năm 2023 mới đây, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai phương án cung cấp điện cho thời gian tiếp theo. Ban ngày, tỉnh ưu tiên điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt. Phương án cấp điện này, trước mắt áp dụng trong 20 ngày, sau đó tùy tình hình sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Vài ngày gần đây, Điện lực Hà Nội đã cắt điện nhiều nơi ngay trong nội đô Hà Nội với lý do “để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện".
“Thiếu điện không còn là nguy cơ mà là hiện hữu, thực tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, dù trước đó Bộ Công Thương khẳng định chưa tính tới phương án cắt điện.
Khắc phục thiếu điện, kể cả do thời tiết cực đoan
Theo một báo cáo vừa được Bộ Công Thương công bố, hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc trong cao điểm mùa khô sắp tới (các tháng 6 – 7) dự kiến sẽ vận hành trong tình trạng căng thẳng. Trong kịch bản cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất lên tới khoảng 1.600 – 4.900 MW. Trong khi đó, công suất và sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc khó tăng thêm khi phía Trung Quốc thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện.
Nguyên nhân khiến tình trạng thiếu điện có rất nhiều như tiêu thụ tăng vọt, thời tiết nắng nóng, El Nino gia tăng khiến nhu cầu sử dụng điện cao, trong khi các hồ thuỷ điện thiếu nước, cạn trơ đáy và đang ở mực nước chết. Một số tổ máy nhiệt điện than, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc bị giảm công suất hoặc gặp sự cố… Tuy vậy, điều mà người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất lúc này là Bộ Công Thương, EVN có giải pháp gì để đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh.
Bộ Công Thương khẳng định, với quy mô tổng công suất đặt khoảng 81.000 MW, hệ thống điện quốc gia có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện nếu các nguồn nhiên liệu cho phát điện (than, dầu, khí) được chuẩn bị đầy đủ và có dự phòng.
"Kết hợp với việc huy động được các nguồn điện đang bị sự cố, huy động một số nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp đã đầy đủ thủ tục, kết hợp với nguồn điện nhập khẩu, điều tiết hợp lý các nguồn thủy điện, thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, thì việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân sẽ được đảm bảo", Bộ Công Thương khẳng định.
Trước mắt, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện, mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, bằng mọi giá không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện, đẩy mạnh tiết kiệm điện...
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận, mới vào đầu mùa Hè nhưng tình trạng cắt điện đã xảy ra ở nhiều địa phương, cắt điện không chỉ luân phiên 1-2 giờ, mà có nơi xảy ra cả ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội. Đây là thực trạng rất đáng lo.
Theo đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá lại toàn diện về thực hiện kế hoạch chiến lược cung cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện, kể cả biến đổi khí hậu hay thời tiết bất thường, cực đoan.
Nhật Linh