Theo EVN, trong các tháng đầu năm 2023, sự phối hợp hiệu quả và nỗ lực cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã góp phần quan trọng để EVN sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh.
EVN cho biết đã đề xuất TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp bổ sung thêm 1 triệu tấn ngoài hợp đồng đã ký trong tháng 6, 7 tới. |
Đặc biệt, EVN cho biết, từ sau cuộc họp ngày 9/5/2023 giữa đơn vị này với TKV và Tổng công ty Đông Bắc, tất cả các tổ máy sử dụng than antracite đã vận hành tối đa theo yêu cầu của hệ thống, không có tổ máy nào ngừng/giảm công suất do thiếu than.
Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6-7/2023 của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là các nhà máy điện khu vực miền Bắc sẽ được huy động ở mức công suất và sản lượng tối đa. Cụ thể tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy điện sử dụng than antracite của EVN trong 02 tháng 6- 7 là 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.
Do đó, vào đầu tháng 6 vừa qua, EVN đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc để đề xuất 02 đơn vị này cấp bổ sung thêm 1 triệu tấn ngoài khối lượng hợp đồng đã ký kết để đảm bảo đủ than cho nhu cầu sản xuất điện trong tháng 6 - 7/2023.
Cũng theo EVN, sau khi hoàn thành công tác sửa chữa sự cố, từ ngày 13/6 vừa qua, tổ máy số 1 của nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) đã vận hành trở lại, góp phần cung cấp thêm cho lưới điện miền Bắc 7 triệu kWh mỗi ngày.
Như vậy, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đang được huy động vận hành cả 2 tổ máy, phát điện lên lưới với sản lượng tối đa là 14 triệu kWh mỗi ngày, góp phần giảm áp lực cung ứng điện cho miền Bắc. Bên cạnh đó, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện cũng đang được đảm bảo.
Tuy nhiên về lâu dài, nhiều chuyên gia lo ngại cung ứng điện tiếp tục gặp thách thức khi nhiều nhà máy điện đang chậm tiến độ so với kế hoạch.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050; phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030...
Tuy nhiên, "các nhiệm vụ, giải pháp liên quan mà Quy hoạch Điện VIII đề ra đang gặp phải không ít thách thức. Đó là nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch", ông Hiển nêu vấn đề.
Thy Lê