Ngày 03/3/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); các Tổng công ty: Phát điện 1, Phát điện 2, Phát điện 3-CTCP, Điện lực-TKV, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Đông Bắc; các Công ty: TNHH MTV Đạm Ninh Bình, cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm...
Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 than thương phẩm sản xuất gần 57,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước xấp xỉ 44,7 triệu tấn, còn nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhấn mạnh trong mọi tình huống, các Tập đoàn (TKV, EVN, PVN), các Tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ).
"Doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than", Bộ trưởng Công Thương chỉ rõ trách nhiệm.
Cùng với đó, Bộ trưởng Diên cho rằng các tập đoàn cần chủ động, tích cực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do và các nước đã ký kết các văn bản hợp tác với các Bộ, ngành chức năng. Trong đó, lưu ý chú trọng đến các thị trường xuất khẩu than tiềm năng (như Úc, Indonesia, Nam Phi, Lào…) mà Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối tại các diễn đàn giao thương và tại các kỳ họp liên quan.
Khẩn trương tổ chức nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than và khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam để bảo đảm tối ưu. Có phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than tại Việt Nam ở vị trí phù hợp (nhất là trên địa bàn các tỉnh/thành phố có đường biên giới giáp Lào) để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm cần tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết.
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), năm nay than thương phẩm sản xuất gần 57,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước xấp xỉ 44,7 triệu tấn, còn nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng lượng than tiêu thụ gần 57 triệu tấn, trong đó 81% tiêu thụ tại các doanh nghiệp sản xuất điện; 4,4% dùng trong phân bón, hoá chất; còn lại là xi măng và các lĩnh vực tiêu dùng khác. Xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Thực tế nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện không phải là lo lại mới, ở thời điểm tháng 3/2022, Bộ Công Thương, Chính phủ phải đứng ra giải quyết, họp bàn giữa các chủ thể tham gia mối quan hệ này. Thời điểm đó, một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phản ánh TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, khi báo cáo lên Bộ Công Thương để phản hồi về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện trong năm nay, TKV lý giải trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm. Để đối phó với tình hình trên, Việt Nam đã tính tới nhập than từ từ Australia, Nam Phi...
Thy Lê