Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó, miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) cũng tăng cao hơn so với ngày 11/6. Cụ thể, công suất hệ thống đạt đỉnh vào lúc 14h30 đạt 40.039 MW.
Doanh nghiệp không dám nhận nhiều đơn hàng
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn, cơ quan điện lực cho biết, công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, tăng khá mạnh so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.
Nhiều DN cho biết phải giảm đơn hàng do tình hình cung ứng điện bị gián đoạn. |
Hiện nay, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo, tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, sự cố dài ngày vào khoảng 2.100 MW, sự cố ngắn ngày khoảng 580 MW.
Trong ngày 12/6, Nhiệt điện Mông Dương, Nghi Sơn khắc phục xong sự cố và hòa lưới. Tuy nhiên,0 Nhiệt điện Thăng Long giảm công suất và ngừng tổ máy S1 để xử lý xì bộ trao đổi nhiệt (dự kiến 11h ngày 14/6 trả dự phòng); Nhiệt điện Mông Dương 1 suy giảm công suất S2 và ngừng sự cố lò L2B do sự cố máy cấp than (hiện tại S2 đang vận hành với lò L2A).
Về nguồn thủy điện, báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) về tình hình vận hành hồ thủy điện cho thấy, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... tới gần 5.000 MW.
Những khó khăn về cung ứng điện này tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Nếu trước đây, doanh nghiệp sẵn sàng nhận đơn hàng 100 - 120% công suất, thì nay giảm xuống 20 - 30% so với công suất. “Do các thiết bị đều cần nguồn công suất điện lớn và ổn định nhưng điều này khó được đáp ứng bởi cung ứng điện thiếu ổn định diễn ra từ đầu tháng 6 đến nay”, một doanh nghiệp phản ánh.
Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất Công ty công nghệ PAM cho biết, doanh nghiệp đã phải vài lần khất đơn hàng giao chậm tiến độ với khách hàng. Trong bối cảnh tình hình cung ứng điện thiếu ổn định như hiện nay, doanh nghiệp không dám nhận thêm khách hàng mới, bởi gần ngày sản xuất, nếu mất điện kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và bị đối tác phạt, hủy hợp đồng.
Theo ông Trương Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, việc cắt điện đột ngột đang khiến nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng nhiều hơn bình thường. Nếu trước đây, doanh nghiệp nhận đơn hàng cao hơn 120% so với công suất của nhà máy, thì giờ chỉ dám nhận ở mức 80 - 90%.
Kịch bản khó khăn còn kéo dài
Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cảng biển và logistics Việt Nam, gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cùng phản ánh, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng...
Các hiệp hội trên đề xuất hệ thống lưới điện Thành phố Hải Phòng và quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp về câu trả lời bao giờ cung ứng điện sẽ ổn định trở lại, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN thừa nhận, kịch bản khó khăn trong cung ứng điện sẽ kéo dài, phụ thuộc vào khả năng đáp ứng về nguồn trong thời gian tới, cũng như diễn biến thời tiết thủy văn, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
EVN cho biết đã yêu cầu từng địa phương lập kịch bản chi tiết. Hiện nay, UBND các tỉnh đều lập Ban chỉ đạo cung ứng điện, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương để có phương án cung ứng điện. “Bài toán cốt lõi là chuẩn bị kịch bản chi tiết cung ứng điện xuống từng doanh nghiệp, địa phương một”, ông Lâm nói.
Theo một chuyên gia năng lượng, nguyên nhân của thiếu điện bên cạnh yếu tố thời tiết hạn hán, nắng nóng còn do sự chậm trễ trong việc xây dựng công suất lắp đặt, dự án nguồn điện.
Mặt khác, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao cùng với quá trình đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư, điều này sẽ gây mất cân đối cung - cầu trong cung ứng điện.
Giải pháp lúc này, chuyên gia cho rằng, bên cạnh khắc phục sự cố của các nhà máy nhiệt điện, cần đẩy mạnh tiết kiệm điện hiệu quả, có thể cao hơn con số 2% đã đặt ra, đặc biệt là các cơ quan công sở.
Nhật Linh