Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF) ngày 12/5, ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Ninja Van Việt Nam chia sẻ: Thời điểm sau đại dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm hàng hóa của Việt Nam bùng nổ không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn.
Nhu cầu mua hàng phù hợp với túi tiền, mẫu mã, chất lượng… của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Từ đó, các cụm từ như "hàng nội địa Trung, hàng nội địa Thái, hàng nội địa Nhật...", trở thành keyword nổi bật trong hệ thống tìm kiếm trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ sau đại dịch không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng nông thôn. |
Bà Vũ Thị Minh Phú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Việt Nam cho biết, theo quan sát của Lazada, TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ sau đại dịch dựa vào các yếu tố. Thứ nhất là thị trường còn nhiều dư địa phát triển với 71% người dùng Internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 94% người dùng Việt sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số, 81% xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Thứ hai là tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp TMĐT. Thứ ba, các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên TMĐT.
Theo báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn TMĐT nửa đầu năm 2022, Việt Nam đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, TMĐT vẫn còn nhiều thách thức, với những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu....
Thực tế có không ít sàn vì chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó nên chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam: "Để bán hàng qua mạng, các đơn vị đều phải đầu tư rất nhiều, chỉ cần một đơn hàng giao không đúng, bị "tố" trên báo chí, mạng xã hội thì phải rất lâu mới vực lại kinh doanh, nên hiện nay các đơn vị đều phải có chính sách hậu mãi, không phải "hàng mua rồi miễn đổi trả" như trước. Người tiêu dùng thậm chí có thể trả hàng khi không hài lòng, không cần là hàng kém chất lượng".
Để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn TMĐT hiện dùng công nghệ “máy học” (một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) như: Tiki, Sendo, Chotot... Ví dụ, tại Tiki, nhờ công nghệ này mỗi tháng Tiki phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn trước khi khách hàng mua.
Tuy nhiên, các sàn TMĐT cũng thừa nhận, dù áp dụng giải pháp nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái. Chẳng hạn, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để “vượt” qua bộ lọc thì chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa shop bằng phản ứng nhanh của khách hàng qua report hoặc đường dây nóng… Cùng với đó, sàn áp dụng các biện pháp lọc kết hợp AI và thủ công.
Đại diện Sendo thông tin, ước tính bộ lọc có thể lọc chính xác từ 80- 85% trường hợp hàng giả, hàng nhái và 100% với trường hợp hàng cấm theo quy định của pháp luật. Còn lại sẽ phát hiện thủ công dựa theo các mặt hàng thường bị làm giả và theo review của shop.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn TMĐT đang áp dụng chế độ đền bù cho khách hàng không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Theo đó, người mua thanh toán hàng hoá qua nền tảng của sàn TMĐT từ 3-7 ngày sau khi giao hàng thành công nếu không có khiếu nại của khách hàng, sàn sẽ hoàn tiền cho người bán.
Mặc dù vậy, đại diện các sàn TMĐT và chuyên gia cũng cho rằng, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cần nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan, cùng với hoàn thiện pháp lý, công tác truyền thông, sâu hơn nữa là việc ưu tiên nguồn lực trong quá trình thể chế đang được hoàn thiện.
T.H