Trước Tết Nguyên đán, chị Thanh Hà (nhân viên văn phòng – Hà Nội) đổ 100.000 đồng xăng, chị có thể đi 1 tuần từ nhà ở Linh Đàm tới Dương Đình Nghệ để làm việc. Nay, cũng với số tiền ấy, cũng đoạn đường ấy, chị Hà chỉ đi được 3 ngày là xe hết xăng.
Với tiền lương 10 triệu đồng, chị Hà từng chi tiêu vừa đủ mỗi tháng. Nhưng từ sau Tết đến nay, chị phải tính toán để không thâm hụt tài chính.
Người dân khốn đốn trong “bão giá”
Theo chia sẻ của chị Hà nếu như trước kia gia đình chị chỉ phải dùng khoảng 6 triệu đồng/tháng để mua thực phẩm ăn uống như gạo, thịt, cá, dầu ăn... thì đến nay, khoản chi này đã "đội thêm" 50%.
Người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng" trước cơn bão giá vừa xuất hiện. |
"Trước đây, gia đình chị mua sắm thức ăn hàng ngày, gia vị nấu ăn bình quân 200.000 đồng/ngày. Nhưng mấy ngày gần đây, số lượng mua sắm cũng như thế, mức chi tiêu trên dưới 300.000 đồng, khoảng 9 triệu đồng/tháng.
So với nhiều người, mức tăng 2 - 3 triệu đồng/tháng có lẽ không phải là vấn đề, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tài chính của gia đình tôi. Nếu giá cả cứ đắt đỏ như thế, tôi buộc phải "bóp mồm bóp miệng", thắt chặt chi tiêu", chị Hà ngậm ngùi chia sẻ.
Trong khi đó, hai vợ chồng chị Mai Anh (28 tuổi, ngụ ở Cầu Giấy) cho biết cả hai đang trong thời gian khó khăn sau khi kết hôn. Nguyên nhân đến từ chi phí sinh hoạt đang đội lên rất nhiều.
Hai vợ chồng chị đều làm nhân viên văn phòng, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 18 triệu đồng. Do chưa có điều kiện mua nhà, cả hai thuê lại một căn hộ chung cư. “Mỗi tháng ngoại trừ 5 triệu đồng tiền thuê nhà, còn lại 13 triệu, tôi trích 8 triệu để chi phí sinh hoạt ăn uống đi lại cho cả 2 vợ chồng, số dư 5 triệu sẽ để dành dụm cho tương lai”, chị Mai Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, người phụ nữ này thở dài: “Với số tiền đó, tôi đã từng sống rất thoải mái. Nhưng có lẽ, nay đã khác khi mọi thứ đều tăng giá khiến vợ chồng tôi không dám nghĩ đến kế dành dụm, chỉ mong với số tiền thu nhập của cả hai vợ chồng đủ trang trải trong tháng là may mắn lắm rồi”.
Trước cơn bão giá, cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ. Người dân phải oằn mình gánh thêm các khoản phí chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Mọi thứ đều phải "cân đo đong đếm" cẩn thận để có thể duy trì được cuộc sống. Trong cơn bão giá, người nghèo ngày càng nghèo đi.
Tăng sức chống chịu cho nền kinh tế
Nhận định về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2021 nhưng bước sang năm nay, các yếu tố gây lạm phát đều trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay. Điều này làm ông Thành lo ngại, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lạm phát cao càng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, có hai việc Việt Nam cần làm ngay đó là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và bổ sung thêm những giải pháp cụ thể và hiệu quả để làm giảm áp lực lạm phát ngay lúc này.
"Việt Nam đã lỡ nhịp khi đưa ra các gói hỗ trợ khá muộn mà lại gặp phải tình trạng này thì càng phải vào cuộc. Nếu không hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp thì không chỉ "cơm ăn áo mặc" của người lao động, câu chuyện sản xuất kinh doanh trước mắt của doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn,... mà kể cả các kế hoạch vĩ mô dài 5 năm, 10 năm cũng có thể bị "đổ sông, đổ bể"", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, năm 2022 là năm Việt Nam cố gắng kích thích thúc đẩy kinh tế phục hồi, vì vậy hàng loạt các chương trình hỗ trợ đã được triển khai, chẳng hạn như việc giảm 2% thuế VAT nhằm khuyến khích tiêu dùng,... Do đó, nếu không cẩn trọng thì gần như mục tiêu đặt ra không đạt được và việc giảm thuế VAT 2% sẽ không còn ý nghĩa.
Nhận diện "cơn lốc" giá cả đang đe doạ sức chống chịu của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chuẩn bị tất cả các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ trong việc điều hành giá cả. Trong trường hợp mặt hàng xăng dầu có những biến động mạnh về giá, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp cụ thể để đảm bảo mặt hàng xăng dầu không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng như kiểm soát lạm phát.
“Bộ Tài chính cũng có những kế hoạch, phương án đối với các mặt hàng thiết yếu khác để đảm bảo giữ mặt bằng giá chung. Nếu trong thời gian tới, mặt hàng xăng dầu trên thế giới có những chiều hướng dịu đi, chắc chắn Chính phủ sẽ điều hành và đảm bảo được chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội thông qua trong năm 2022”, Thứ trưởng cho biết.
Thanh Hoa