Làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân được biết đến là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Hiện, làng có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ gắn bó với nghề truyền thống. Trong đó, có 1 HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, đa phần là người Chăm, với mức thu nhập bình quân 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề làm du lịch
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gốm Bàu Túc qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân người Chăm luôn tiềm ẩn sức hút, nét độc đáo riêng.
Làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc đang hoạt động tốt nhờ kết hợp nghề truyền thống với hoạt động du lịch. |
Được thành lập cách đây vừa tròn 10 năm, HTX gốm Chăm Bàu Trúc đang nỗ lực cùng người dân địa phương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị nghề truyền thống.
HTX hiện có 50 hộ thành viên, với 150 lao động chuyên sản xuất gốm, trình diễn nghệ thuật làm gốm với hàng ngàn sản phẩm. Với những đóng góp của HTX, sản phẩm gốm Bàu Trúc đã xây dựng được tên tuổi vững chắc trên thị trường, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Để bắt nhịp với đời sống hội nhập, làng gốm Bàu Trúc hiện nay không chỉ chú trọng nâng chất sản phẩm mà còn kết hợp hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm, mở ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Đặc biệt, với tiềm năng du lịch, làng gốm Bàu Trúc đang được đầu tư rất mạnh về hạ tầng giao thông, nhà trưng bày sản phẩm làm từ gốm, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, vỉa hè… tạo nên cảnh quan làng nghề đầy sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ có không gian đẹp, về với làng gốm Chăm, du khách còn dễ dàng gặp gỡ những con người say mê cống hiến hết mình cho nghề truyền thống. Tiêu biểu như nghệ nhân Đàng Thị Phan, Đàng Thị Gạch... Đối với họ, nghề không chỉ vì vấn đề mưu sinh, mà là tình yêu, đam mê.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan, người dân tộc Chăm, chia sẻ để bắt kịp xu hướng mới nhưng không làm mất nét đặc trưng của gốm Bàu Trúc, bà cùng các nghệ nhân trong thôn đã đa dạng hóa sản phẩm từ gia dụng truyền thống chuyển sang làm một số đồ mỹ nghệ như đèn trang trí, đèn treo tường... nhằm phục vụ cho các khu du lịch.
Bên cạnh tâm huyết của thế hệ trước, người làng Bàu Trúc còn hay nhắc tới câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc.
Từng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga, có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế với mức thu nhập cao, nhưng với tình yêu quê hương, anh Thuần đã bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để về quê phát triển nghề gốm truyền thống.
Vào năm 2011, khi nghề gốm truyền thống gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ nghề còn thấp, với quyết tâm phải giữ được nghề truyền thống và không để người lao động nơi đây phải thiếu việc làm, HTX gốm Chăm Bàu Trúc được thành lập.
“HTX ra đời với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với du lịch để vừa phát huy được yếu tố cộng đồng, vừa thể hiện được giá trị văn hóa của làng nghề”, anh Thuần nhấn mạnh.
Định hướng phát triển bền vững
Cũng giống như làng gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, cũng đang được đầu tư mạnh để tạo cảnh quan, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho người dân địa phương. Làng nghề hiện có 1 HTX, 22 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 900 lao động, cho doanh thu hàng năm trên 15 tỷ đồng.
Các làng nghề sẽ tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, thu hút du khách thăm quan. |
Sau hơn 10 hoạt động, HTX dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đang thu hút 113 thành viên, người lao động, đồng thời là đơn vị đầu tàu trong phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Chị Quảng Thị Tám, đại diện HTX, cho biết kể từ khi thành lập, HTX đã chú trọng đổi mới mẫu mã, quan tâm đào tạo đội ngũ nghệ nhân lành nghề. Hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư nhưng chỉ tham gia một phần quá trình sản xuất nhằm bảo đảm độ tinh tế của các sản phẩm.
Trong hoạt động du lịch, để thu hút du khách, HTX đã đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt làng Mỹ Nghiệp. Ngoài gian nhà sản xuất, HTX dành một không gian riêng để giới thiệu và bày bán sản phẩm, đồng thời cho du khách trải nghiệm làm dệt thực tế.
“Nhờ sự chủ động trong sản xuất, sự đồng hành của địa phương, HTX Mỹ Nghiệp đang giữ vững nhịp độ phát triển ổn định, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực thương mại bán lẻ”, chị Quảng Thị Tám cho hay.
Trong 3 năm qua, HTX duy trì doanh thu ổn định trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho thành viên, người lao động với mức lương 2 – 7 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động hiệu quả giúp tình hình tài chính của HTX ngày càng lành mạnh, đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh và cho thành viên viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất.
Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đánh giá các HTX tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã và đang từng bước giữ vững vai trò là “cầu nối” thu mua sản phẩm của các cơ sở sản xuất và là địa điểm du lịch quen thuộc của du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, HTX còn là nơi đào tạo nghề cho lao động địa phương, cung cấp nguồn nguyên liệu làm gốm cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất. Đồng thời, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thông qua những phòng trưng bày, website của làng nghề, giúp du khách dễ dàng khi tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Có thể nói HTX và làng nghề đang có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Ninh Phước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động theo hướng tích cực. Qua đó, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Chủ tịch UBND huyện Bạch Văn Nguyên khẳng định trong thời gian tới, để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, quy hoạch, khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Huyện cũng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, huyện đẩy mạnh phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm. Mục tiêu đến cuối năm 2021, nâng mức thu nhập bình quân của lao động khu vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đạt 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mỹ Chí