Tôi còn nhớ vào một ngày đầu xuân 2012, trong buổi gặp gỡ trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (nay là Bí thư Tỉnh ủy), ông Chiến không giấu được niềm trăn trở của mình.
Ông bảo: Thanh Hóa đã và đang phấn đấu kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp (KCN) như khu kinh tế Nghi Sơn, KCN Lễ Môn, KCN Tây Bắc Ga, KCN Bỉm Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng… Đồng thời, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Trung ương về “tam nông”, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thành - bại cốt ở ta!
Phải nói rằng thời bấy giờ, kinh tế – xã hội ở Thanh Hóa đang như một bức tranh, nhiều người cứ tưởng chỉ vẽ lên để mà xem thôi, bởi năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa lúc đó còn nằm ở tốp cuối cả nước.
Thế mà Chủ tịch tỉnh Trịnh Văn Chiến vẫn tự tin lắm! Với tầm nhìn từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XVII đề ra, chẳng bao lâu nữa, Thanh Hóa sẽ mau chóng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội, là đầu kéo của cả khu vực miền Trung, vùng đất đầy nắng, gió này. Đó là lời khẳng định của một vị lãnh đạo đứng đầu chính quyền ở một tỉnh, địa phương rộng lớn, dân cư đông so với cả nước, trừ hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM.
Quả thật, sau hơn 5 năm, xứ Thanh đã phát triển vượt bậc, toàn diện đúng như những gì mà ông Trịnh Văn Chiến khẳng định với chúng tôi như “đinh đóng cột” là “thành bại chính ở ta”, chính ở Đảng bộ và nhân dân, chính ở trong mỗi một cán bộ đảng viên, lời nói phải đi đôi với làm mới có ngày hôm nay.
Vào một ngày áp Tết Mậu Tuất, tôi tranh thủ về thăm lại xứ Thanh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho biết: Sau khi “mở chiến dịch” kêu gọi xúc tiến đầu tư, được nhiều nhà đầu tư đến và đánh giá môi trường đầu tư ở Thanh Hoá rất thân thiện.
Giải pháp đồng bộ
Đến nay, Thanh Hóa đã và đang triển khai được nhiều dự án hiệu quả, trong đó, một số dự án đã đi vào hoạt động, một số đang được các nhà đầu tư xây dựng.
Tính đến nay, Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho trên 200 dự án, trong đó có dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 26.731 tỷ đồng với 155 triệu USD, tăng 74 dự án và gấp 2,1 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ; trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Dây chuyền 2 xi măng Long Sơn (3.882 tỷ đồng), quần thể khu du lịch cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng), đầu tư sản xuất máy kéo hạng trung (1.500 tỷ đồng), dự án xử lý và tái chế chất xúc tác tại KKT Nghi Sơn (30 triệu USD).
Đặc biệt, trong năm đã hoàn thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp mới như: Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, xi măng Long Sơn (dây chuyền 2), thủy điện Trung Sơn, thủy điện Bá Thước I và một số nhà máy máy tại các huyện.
Phát triển doanh nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ, ước thành lập mới được trên 3.000 doanh nghiệp (đứng thứ 7 cả nước), với tổng vốn đăng ký 18.690 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch, gấp 2,04 lần số doanh nghiệp và 2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ; nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 10.563 doanh nghiệp.
Nói về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng cho biết kết thúc năm 2017, Thanh Hóa ước đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9,08%. Trong đó, giá trị công nghiệp ước đạt 70.833,4 tỷ đồng, nông, lâm, thủy sản đạt 26.555 tỷ đồng, du lịch, dịch vụ đạt 82.931 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 13.302 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.873,8 triệu USD. GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.705 USD.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; từ đầu năm đến nay có 47 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận đạt chuẩn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 huyện, 180 xã và 400 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 14,6 tiêu chí, tăng 0,4 tiêu chí so với đầu năm.
Năm 2018 và những quyết sách
Nói về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến vui vẻ tâm sự: Bước sang năm mới 2018, chúng tôi phải tập trung cao nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu đề ra trong năm 2018. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất là động lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi, nhất là các dự án do Vinamilk, TH True Milk, tập đoàn FLC đầu tư, phấn đấu đưa Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại từ quý II với sản lượng đạt 3,5 triệu tấn sản phẩm.
Đồng thời, phấn đấu giữ sản lượng lương thực ở mức 1,6 triệu tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1.950 triệu USD. Thêm 1 huyện, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bình quân chung mỗi xã đạt 16 tiêu chí). Nâng tổng số toàn tỉnh lên 222 xã đạt chuẩn, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Vậy là sau hơn 5 năm “lao tâm, khổ tứ”, dồn sức cho “cuộc chuyển mình” vĩ đại, với xứ Thanh, đường lớn đã mở. Sẽ không có gì là lạ, nếu chỉ ít năm nữa thôi, cả nước sẽ được chứng kiến một Thanh Hóa thực sự “cất cánh”, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung bộ.
Kiều Thanh