Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng đã đóng góp tích cực trong kết quả tăng trưởng kinh tế 8 tháng đầu năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2%. Với mức lạm phát này, tỷ giá USD/VND sẽ biến động ở mức 2-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.
Xu hướng lãi suất cao còn tiếp diễn, cần cảnh giác với tỷ giá hối đoái. (Ảnh: Int) |
TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng trong thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Một số chuyên gia có chung quan điểm cho rằng, với công cụ điều hành linh hoạt cùng nguồn cung ngoại tệ hiện có như dự trữ ngoại hối khá lớn, dòng vốn FDI giải ngân mạnh, kiều hối tăng, cán cân thương mại thặng dư..., diễn biến tỷ giá trong tầm kiểm soát của NHNN. Thậm chí, NHNN hoàn toàn có thể chủ động để đồng nội tệ mất giá "một chút" so với USD để phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, việc tiếp tục giữ ổn định tỷ giá là điều cần thiết để hạn chế nhập khẩu lạm phát, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Cũng bày tỏ sự tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể trên 6,5% thậm chí 7%, lạm phát có thể kiểm soát được, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức 3,6% so với đầu năm bắt nguồn từ quản lý giá rất tốt bên cạnh việc quản lý lãi suất.
Có rất nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện NHNN nên tăng hay giảm giá tiền đồng trước dự báo ngày 21/9 tới Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Còn theo ông Phước: “Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá. Bởi việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá”.
Đồng thời, chuyên gia này đánh giá: Kiềm chế lạm phát đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của NHNN, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.
Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND. Nhưng trong quá khứ, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất… Vì vậy, Thống đốc nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do NHNN đưa ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.
TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay là cực kỳ khó khăn và thách thức không chỉ ở Việt Nam mà ngân hàng Trung ương trên thế giới đều đau đầu làm sao giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế. Mỗi một quốc gia đều lựa chọn công cụ điều hành dựa trên điều kiện thực tế của quốc gia mình cho phù hợp.
“Điều hành chính sách tiền tệ hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt. Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm thì kinh tế đang tăng trưởng tốt. Thứ ba là ổn định an ninh tài khoá, hệ thống ngân hàng quốc gia ổn định, hệ thống của chúng ta đang ổn định. Từ kết quả trên cho thấy, 8 tháng qua, điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng. Tôi đánh giá cao điều hành chính tiền tệ của NHNN”, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Thanh Hoa