Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, không có bằng chứng, dấu hiệu kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào Danh sách giám sát gồm 11 nền kinh tế (đáp ứng từ 1 - 2 tiêu chí theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ): Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ai-len, Ý, Ấn độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mê-xi-cô. Đáp ứng 3 tiêu chí có Thụy Sỹ, Đài Loan (TQ) và Việt Nam.
Danh sách các nước trên được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015. Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tại Báo cáo này, trên cơ sở tiếp xúc bước đầu với Việt Nam cũng như dựa trên các số liệu, phân tích sâu hơn, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là đang thao túng tiền tệ.
Ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định rằng, các chính sách tiền tệ của Việt Nam được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.
Cùng với đó, từ đầu năm nay, những động thái thay đổi chính sách quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cơ quan này đã và sẽ không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều và đồng VND sẽ được điều tiết theo cung-cầu của thị trường.
T.Hoa