Giới phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, tỷ giá VND/USD ổn định và có thể giảm nhẹ trong năm 2021. (Ảnh: Int) |
Theo các chuyên gia, cáo buộc này không có căn cứ, bởi lẽ về mặt điều hành thì NHNN luôn khẳng định, Việt Nam chưa và không bao giờ có chủ trương phá giá Việt Nam đồng. Điều này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính chức trả lời vào ngày 17-12-2020, một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là đang thao túng tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng các chính sách tiền tệ của Việt Nam, được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển nhanh, độ mở cao, cần thiết phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
“Việc điều hành tỷ giá những năm qua của NHNN trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.
Trái với nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thực tế trong 3 năm (2017-2019), giá trị thực của đồng Việt Nam theo Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tính toán tăng khoảng 2,6%.
“Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ có thể bị tác động tiêu cực do đồng Việt Nam tăng giá so với đô la Mỹ trong 3 năm 2017-2019, chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam”, ông Lực nói.
Chuyên gia này phân tích, đồng Việt Nam giảm giá không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu do đặc thù cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu nhiều thì cũng đồng nghĩa với nhập khẩu nhiều.
Điều này là do hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam do khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chi phối. Khối này chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2019 (theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê Việt Nam). Theo đó, để sản xuất hàng xuất khẩu, do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, nên khối doanh nghiệp FDI vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho dù tỷ giá đồng Việt Nam được điều chỉnh tăng hay giảm.
Ngoài ra, tỷ giá VND/USD luôn ổn định từ đầu năm đến nay còn nhờ NHNN mua được lượng ngoại tệ lớn nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD trên thế giới có nhiều biến động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, so với nhiều nước trong khu vực thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối năm 2019 chỉ ở mức tương đương 3,5 tháng nhập khẩu (cao hơn một chút so với mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng nhập khẩu của IMF), thấp hơn nhiều so với mức 5 tháng nhập khẩu của Singapore, 8 tháng của Philippines, Hàn Quốc hay 9 tháng của Thái Lan và 14 tháng của Trung Quốc.
Do đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu mà việc xuất siêu sang Hoa Kỳ bản chất do cơ cấu thương mại. Vì vậy, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ khẳng định đồng Việt Nam bị định giá thấp có tạo ra lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam cần phải được xem xét kỹ lưỡng và chính xác hơn.
Thanh Hoa