Khoảng 6 giờ ngày 11/10 (giờ Việt Nam), trên Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 2.628,50 USD/ounce, tăng 20,19 USD/ounce (+0,77%). Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.645,9 USD/ounce, tăng 19,9 USD.
Giá vàng thế giới phục hồi trở lại, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trước sự suy yếu của đồng USD, khi các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu cho thấy thị trường lao động yếu kém cũng như giá tiêu dùng tăng nhẹ, mở đường cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 9. Trong 12 tháng tính đến tháng 9, CPI tăng 2,4%, đây là mức tăng theo năm nhỏ nhất kể từ tháng 2-2021. Một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã tăng lên 258.000 trong tuần kết thúc vào ngày 5/10, so với ước tính là 230.000 đơn.
Giá vàng miếng và vàng nhẫn đồng loạt giảm. |
Theo đánh giá của Giám đốc điều hành Alex Ebkarian của Allegiance Gold, báo cáo CPI cho thấy lạm phát đang giảm và báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động suy yếu đã khiến giới đầu tư càng chắc chắn rằng Fed đang đi đúng hướng, điều đó đã giúp hỗ trợ vàng.
Ông cho rằng, các sự kiện địa chính trị cùng nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương sẽ là những chất xúc tác tích cực khác cho vàng
“Vài ngày qua, đà tăng của giá vàng đã chậm lại, do đó, kim loại quý này đang ở vị thế tốt để tăng trở lại”, ông Ebkarian cho biết thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, vàng thế giới vẫn đang chịu nhiều áp lực bởi sự phục hồi của đồng bạc xanh. Chỉ số DXY đang đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
Bên cạnh đó, trong biên bản họp mới nhất của Fed, các chuyên gia nhận thấy giới quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ đang có động thái nghiêng về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11 - điều này cũng khiến vàng chịu thêm áp lực.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, phân tích, chỉ số DXY tăng và dữ liệu kinh tế gần đây đang ủng hộ nhiều hơn cho việc cắt giảm 25 điểm cơ bản - các yếu tố tiếp tục đè nặng lên giá vàng.
Theo Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích thị trường của Kinesis Money, mặc dù kim loại quý đang chịu áp lực trong ngắn hạn, nhưng có khả năng vẫn được hỗ trợ trong dài hạn nhờ kỳ vọng về lãi suất thấp hơn và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Sau CPI, sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ chuyển sang dữ liệu chỉ số giá sản xuất sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Trong nước, giá vàng miếng tại nhóm “Big4” và các thương hiệu lớn đồng loạt điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, xuống mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, đây là lần giảm giá đầu tiên của mặt hàng vàng miếng sau nhiều lần điều chỉnh tăng liên tiếp trước đó.
Còn vàng nhẫn tiếp tục điều chỉnh giảm phiên thứ 2 liên tiếp, lùi xa mốc 83 triệu đồng. Trong vòng 2 ngày qua, giá vàng nhẫn giảm khoảng 400.0000 đồng.
Cụ thể, VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 81,5 - 82,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng ở cả 2 chiều; DOJI điều chỉnh giảm giá mua 300.000 đồng và giá bán 400.000 đồng xuống 82 - 82,9 triệu đồng/lượng; PNJ điều chỉnh giảm giá mua và bán lần lượt 500.000 đồng và 400.000 đồng xuống 81,8 - 82,9 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 81,88 - 82,88 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng cả 2 chiều; Phú Quý mua bán ở mức 81,95 - 82,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng ở cả 2 chiều.
Châu Giang