Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất qua đêm thêm 50 điểm cơ bản mức tăng cao nhất trong vòng 22 năm. Trước đó, trong phiên họp giữa tháng 3, Fed đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ mức 0 - 0,25% lên 0,25-0,5%. Như vậy, sau hai lần điều chỉnh, mức lãi suất cơ bản hiện tại của Fed là 0,75-1%.
Có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu?
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trước mắt, quyết định chính sách của Fed tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam, mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.
Tỷ giá USD/VND tăng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi về giá trị hàng hoá. |
Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần Fed tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 4,25% so với ngày 16/3.
Khảo sát thị trường cho thấy, sau động thái tăng lãi suất của Fed ngày 4/5, tỷ giá trung tâm tăng nhẹ, đang được niêm yết ở mức 23.130 VND/USD. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch ở khoảng hơn 23.000 VND/USD.
Câu hỏi đặt ra lúc này là giá USD/VND có tác động ra sao đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước?
Trả lời VnBusiness, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng, tỷ giá tăng rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ví dụ năm ngoái tỷ giá neo giữ ở mức thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu rất thiệt hại. Chẳng hạn, so với năm 2020 tỷ giá bình quân chung giảm hơn 3%, nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu 10 triệu USD thì mất gần 6 tỷ đồng. "Hiện nay, tỷ giá đang ở mức 23.100 VND/USD, trong năm nay, nếu tỷ giá tiếp tục duy trì ở mức khoảng 23.100 – 23.200 VND/USD sẽ rất có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Dương nói.
Theo tính toán của vị Chủ tịch này, đầu năm nay tỷ giá giao dịch ở mức 22.600 VND/USD, khi doanh nghiệp xuất khẩu 1 triệu USD sẽ có 22,6 tỷ đồng, nhưng hiện nay tỷ giá đang neo ở mức 23.100 VND/USD thì doanh nghiệp sẽ thu về 23,1 tỷ đồng, tăng thêm 500 triệu đồng. Như vậy với số tiền tăng thêm doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn thu để tăng lương giữ chân người lao động và để giải quyết vấn đề tăng giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh như hiện nay, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Mặc dù đứng trước nhiều áp lực, nhưng TS. Cấn Văn Lực dự báo, tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8-1,2% - mức tăng không quá lớn nhờ vào các yếu tố như: kiều hối tăng cao, cán cân thanh toán thặng dư, trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD), dự trữ ngoại hối đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD)… là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỷ giá.
Đồng thời đại diện May Hưng Yên cũng cho rằng, việc tỷ giá tăng sẽ giúp hạn chế nhập khẩu. Hiện nay Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng như: điện tử, ô tô… từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia rất lớn.
Doanh nghiệp đối diện với giảm khả năng cạnh tranh
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng chưa hẳn có lợi cho hoạt động xuất khẩu.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Việc Fed và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm, từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay VND đang neo theo đồng USD, bởi nếu VND không tăng theo, Mỹ sẽ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, so với các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... mức giảm của VND có phần khiêm tốn hơn chỉ 0,53% trong tháng 4 và 0,57% so với cuối năm 2021. Ngược lại, đồng won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, đồng NDT cũng bốc hơi hơn 4%.
Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Từ đó, gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
Ngoài áp lực này, ông Nghĩa đồng tình với ý kiến của ông Lực, cho rằng nhiều tổ chức mới đây đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ và của các nước châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu suy giảm, cộng với việc kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà giảm do chiến lược "Zero Covid" cũng là những yếu tố làm tác động tới xuất khẩu của Việt Nam.
"Mặc dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong 4 tháng đầu năm (5,4%) và tăng trưởng xuất khẩu khoảng 16 – 17%, nhưng chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới đặc biệt là quý III và quý IV sẽ chậm lại. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể cũng chỉ đạt từ 5,5 – 6%", TS. Nghĩa đánh giá.
Huyền Anh