Rạng sáng hôm nay (16/6), theo giờ Việt Nam Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận mức tăng 0,75% là "lớn bất thường". Dù cho biết quan chức Fed "không muốn mức tăng này trở nên phổ biến", Powell tiết lộ họ vẫn có thể bàn bạc việc nâng lãi thêm 0,75% hay chỉ 0,5% trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7.
Tỷ giá tăng nhanh, “cộng” 1,8% so với đầu năm
Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức: 23.093 VND, giữ nguyên so với hôm qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.785 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.400 VND/USD.
Đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới, nhất là các đồng tiền trong khu vực ASEAN đều mất giá rất lớn, nhưng VND chỉ mất giá rất nhẹ, khoảng 1,8%. |
Khảo sát trên thị trường cho thấy tỷ giá USD đang có sự biến động khác nhau giữa nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Cụ thể, lúc 8h05, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.050 - 23.360 đồng/USD, giữ nguyên hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch hôm qua; Tương tự tại BIDV, giá mua - bán USD được giữ nguyên khi niêm yết ở mức 23.080 - 23.360 đồng/USD.
Trong khi đó, tại Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.084 - 23.375 đồng/USD, tăng 9 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên hôm qua.
Ngân hàng Eximbank niêm yết giá mua - bán USD giao dịch ở mức 23.120 – 23.340 đồng/USD, tăng mạnh 120 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với mức niêm yết trước.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, 5 tháng đầu năm VND đã giảm giá khoảng 1,8% so với USD tính trên tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại. Dự báo, VND có thể giảm giá đến 2% so với đồng USD. Đáng chú ý, kể từ ngày 11/05, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bán kỳ hạn từ 23.050 đồng/USD lên 23.250 đồng/USD và không cho phép hủy ngang.
Theo đó tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng đã có mức tăng tương ứng. Cụ thể, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng 230-250 đồng/USD trong tháng.
Thực tế, áp lực giảm giá của VND vẫn tương đối rõ ràng trong bối cảnh đồng USD tăng giá, thể hiện qua việc tỷ giá USD/VND đã bật tăng trong các phiên giao dịch đầu tuần này. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục chủ động thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường, thông qua hợp đồng bán USD kỳ hạn 3 tháng.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Liên quan đến áp lực giảm giá của VND, chia sẻ tại buổi họp báo ngày 15/6, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác) đã lên đến trên 105, tăng trên 9% so với cuối 2021. Như vậy, đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới, nhất là các đồng tiền trong khu vực ASEAN đều mất giá rất lớn. Ví dụ Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất 4,7%, Đô la Đài Loan mất giá 6%, bạt Thái 3,4%, cá biệt đồng Yên Nhật Bản mất giá đến gần 16%. Đây là những đối tác có mối quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, NHNN đã duy trì kiểm soát thị trường ngoại tệ rất ổn định, VND chỉ mất giá rất nhẹ, khoảng 1,8%.
Tuy nhiên, dự báo, đến cuối năm Fed sẽ tăng lãi suất lên khoảng 2,75% - 3%. Điều này, theo ông Quang sẽ tác động lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước. Dù vậy, với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ thực hiện đúng chủ trương “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng Nghị quyết 43 của Quốc hội. “Để đảm bảo điều đó, những biện pháp ứng phó NHNN rất đa dạng, sử dụng đồng bộ các công cụ, từ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá...”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn này, nguồn cung ngoại tệ có diễn biến không quá thuận lợi so với các năm trước khi Việt Nam tăng nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu trong giai đoạn giá cả tăng cao, triển vọng xuất khẩu hàng hóa kém hơn kỳ vọng khi triển vọng kinh tế toàn cầu giảm đi kèm với gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính tháng 5 đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8%.
Ngoài ra, tính tới ngày 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng với tốc độ trung bình 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về dài hạn, theo các chuyên gia SSI, yếu tố hỗ trợ VND đến từ nguồn cung USD tích cực của cán cân thương mại, giải ngân FDI và kiều hối.
Thanh Hoa