Theo số liệu thống kê từ công ty chứng khoán MB (MBS), tính tới thời điểm cuối tháng 2/2022, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhẹ, do những biến động trên thị trường quốc tế.
So với cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 80 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.475 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.140 đồng/USD, tăng 41 đồng/USD và 22.980 đồng/USD, tăng 99 đồng/USD.
Lạm phát ít tác động đến tỷ giá
Đà tăng của tỷ giá tiếp tục được kéo dài sang tháng 3 khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tăng 6 trong 7 phiên giao dịch gần đây.
Các chuyên gia cho rằng việc ổn định tỷ giá đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. |
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá trong tuần vừa qua cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh lên 23.000 VND/USD (bán ra). Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 50 đồng, tương đương tăng 0,2%.
Mặc dù chưa có diễn biến tăng đột biến, song theo các chuyên gia, áp lực đối với VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách, khả năng tăng lãi suất của ECB vẫn để ngỏ. Trong khi đó, trong phiên họp chính sách sách giữa tháng này, khả năng tăng lãi suất 0,25% của FED đã gần như chắc chắn. Tuy vậy, khả năng FED thu hẹp thêm bảng cân đối tài sản - đồng nghĩa với thắt chặt thêm chính sách tiền tệ - cũng không loại trừ.
Chia sẻ về vấn đề này tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề tỷ giá của Việt Nam không phục thuộc lớn vào lạm phát mà phụ thuộc vào việc FED trong kỳ họp ngày 16/3 sắp tới có tăng lãi suất hay không. Bởi nếu quan sát kĩ có thể thấy, hiện nay lạm phát tại Việt Nam còn thấp hơn lạm phát tại Mỹ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ là 7,5%, trong khi đó CPI của Việt Nam thấp hơn tới 5 điểm %. Đây là mức chênh lệch lớn, nên nhận định lạm phát gây áp lực đến tỷ giá tại thời điểm này là không đúng.
Chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được vận động theo hướng linh hoạt, thích ứng với những biến số mới trên thị trường sẽ giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, lạm phát không tác động nhiều tới tỷ giá, biến động của tỷ giá hoàn toàn dựa trên cung cầu ngoại tệ.
Doanh nghiệp cần biện pháp phòng vệ
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy các chuyên gia cho rằng, áp lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tăng lên.
Theo nhận định của ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ IPA, tại các nước trên thế giới, chính sách tiền tệ sẽ khó dự đoán hơn do vừa phải đối phó với lạm phát, vừa phải đối phó với hệ quả của các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây ra cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nước đều có sự thận trọng, “nuông chiều” nhất định với thị trường tài chính toàn cầu, không có các quyết sách quá sốc và chủ đạo vẫn là theo hướng thắt chặt hơn.
Trong khi đó, tại Việt Nam lạm phát có nguy cơ tăng cao, nhưng NHNN vẫn duy trì chính sách điều hành nới lỏng để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Theo các chuyên gia, thời gian qua tỷ giá được giữ ổn định. NHNN điều hành tốt trong việc cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và điều hành tỷ giá. Do đó, việc ổn định tỷ giá đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Ông Khang cho rằng, trong cả một giai đoạn vừa qua chúng ta đã tạo được nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ ổn định hơn trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.
Còn nhóm chuyên gia nghiên cứu tại công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, chênh lệch dương giữa lạm phát Mỹ và lạm phát của Việt Nam đang là một điểm thuận lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước.
Mặc dù nhận định chính sách điều hành tỷ giá không đáng lo, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đứng trước nhiều áp lực như: dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó khăn trong việc duy trì nhân công, lực lượng lao động sau dịch, áp lực lạm phát leo thang, đặc biệt ở giá cả đầu vào cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
Đứng trước những khó khăn kể trên, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong vấn đề xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.
Thanh Hoa