Tại Hội nghị Kinh tế & Tài chính Quốc tế lần thứ 8 vừa được tổ chức, các doanh nghiệp (DN) Fintech đến từ Hàn Quốc bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư phát triển thị trường Fintech Việt Nam mà họ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh.
Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để Fintech phát triển.
Tuy nhiên, thời gian qua, số DN Fintech thành lập mới lên đến hàng trăm nhưng số trụ vững đến thời điểm này chỉ vào khoảng 80 đơn vị. Đáng chú ý, dù các start-up Fintech giàu ý tưởng nhưng khi triển khai lại thiếu nguồn lực tài chính, ít kinh nghiệm quản trị. Đây là nguyên nhân khiến cho các giải pháp về Fintech ở Việt Nam chỉ có thể phát triển trong lĩnh vực thanh toán, còn hầu hết các lĩnh vực khác đều “chết yểu”.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Hữu Đức, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam, đánh giá sự “đổ bộ” của các DN Fintech Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới mở ra cơ hội hợp tác, học hỏi, đồng thời cũng là thách thức nếu các DN nội không phát triển sẽ không đủ sức để cạnh tranh với các “ông lớn” này.
Ông Trần Hữu Đức - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam |
Ông đánh giá thế nào về thị trường Fintech Việt Nam hiện nay?
Về mặt quản lý nhà nước, Fintech Việt Nam có sự phát triển rất tốt nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặc biệt là chủ trương hạn chế thanh toán dùng tiền mặt của Chính phủ, hay việc NHNN thành lập Ban chỉ đạo Fintech giúp quản lý tốt hơn các hoạt động của DN.
Về phía DN, mặc dù các DN Fintech chưa nhiều so với tiềm năng ở Việt Nam, nhưng gần đây đã có những tín hiệu tốt nhờ phong trào hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng được nhân rộng, trong đó có lĩnh vực Fintech phát triển ngày càng có chiều sâu.
Ví dụ như MoMo vừa công bố mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2018 và việc gọi vốn thành công ở vòng gọi vốn thứ 3 (series C), trong đó có sự đóng góp của quỹ tư nhân Warburg Pincus; Moca vừa hợp tác với Grab, Tima có sự hỗ trợ vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Theo ông, DN Fintech Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có nhiều cơ hội hợp tác?
Trước đây, phần lớn các DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trung gian thanh toán, nhưng nay đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghệ ngân hàng, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số, thương mại trực tuyến B2C, mPOS, dịch vụ tài chính triển khai trên nền tảng online, blockchain…
Điều đó cho thấy, lĩnh vực Fintech Việt Nam còn non trẻ song đang phát triển rất nhanh và sôi động, việc mở ra kênh hợp tác với những quốc gia phát triển mạnh về Fintech như Hàn Quốc sẽ giúp DN nội có nhiều bài học kinh nghiệm cho việc phát triển tốt hơn.
Bên cạnh các lợi ích có thể khai thác được từ đối tác Hàn Quốc, sự đổ bộ của các DN Hàn Quốc cũng tạo nên những áp lực về cạnh tranh cho các DN trong nước, đặc biệt là hệ thống tín dụng Việt Nam có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Khi nền kinh tế mở cửa, Việt Nam tham gia nhiều hơn các hiệp định thương mại thế hệ mới, hiển nhiên có làn sóng Fintech nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam. Nhìn từ góc độ hai chiều, một mặt giúp cho các DN học hỏi được điều kiện kinh doanh, đường đi nước bước và công nghệ, nhưng ngược lại nếu các DN Fintech trong nước không có sự hỗ trợ tốt hơn từ Nhà nước, từ các ngân hàng và quỹ đầu tư mạo hiểm thì sẽ gặp thách thức lớn.
Đối với hệ thống tín dụng Việt Nam chưa có gì đáng lo ngại, bởi các DN Fintech hiện nay còn quá nhỏ và gần như chưa ảnh hưởng gì đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, lĩnh vực này tương đối nhạy cảm nên ngay từ đầu cần có sự quản lý và định hướng đúng đắn của cơ quan nhà nước để các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này đi đúng đường, như vậy sẽ hạn chế được nhiều rủi ro.
Hiện nay, Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Chúng tôi đã mở Câu lạc bộ Fintech và Quỹ khởi nghiệp Việt Nam, với mục tiêu là tạo ra môi trường thử nghiệm cho các DN Fintech. Khi tham gia câu lạc bộ này, DN sẽ nhận được hỗ trợ về tài chính, giúp kết nối với ngân hàng và các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ sẽ tạo ra môi trường để định hướng và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp Fintech, từ đó hiểu được hoạt động kinh doanh của DN, biết được lợi ích và rủi ro tiềm năng để có những biện pháp hướng dẫn phù hợp ngay từ đầu.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có Ban chỉ đạo Fintech sẽ có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thống đốc các giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các DN Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Huyền Anh thực hiện