Những năm gần đây, kiều hồi về Việt Nam tăng cả lượng và chất, trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế, giúp cải thiện cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối... Đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, dự trữ ngoại hối dồi dào giúp ổn định tỷ giá.
Dòng kiều hối chậm lại
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021 với khoảng 18 tỷ USD. Trong năm 2022, mặc dù có những rủi ro đáng kể làm giảm lượng kiều hối, các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ tiếp tục nhận được lượng tiền kiều hối gửi về, nhưng với tốc độ thấp hơn (4,2%) so mức mức được ghi nhận năm 2021. Cuộc chiến Nga - Ukraine - với những tổn thất về thương mại đối với các nhà nhập khẩu ròng năng lượng, thực phẩm có tác động chính đến dòng kiều hối.
Theo WB, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021 với khoảng 18 tỷ USD. |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Hai yếu tố chính tác động đến lượng kiều hối chuyển về giảm trong thời gian qua là cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình hình kinh tế một số quốc gia, khu vực trên thế giới gặp khó khăn do lạm phát và giá dầu, giá lương thực tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động Việt Nam ở nước ngoài và khả năng tích lũy của kiều bào.
Hơn nữa, có ý kiến lo ngại nếu lãi suất USD tiếp tục duy trì mức cao thì nguy cơ kiều hối về Việt Nam sẽ chững lại, hoặc dòng tiền từ Mỹ về Việt Nam sẽ ảnh hưởng phần nào vì lãi suất tiền gửi ở Mỹ bắt đầu hấp dẫn hơn, trong khi lãi suất USD ở Việt Nam vẫn đang duy trì 0%.
Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia nhận định, ít nhất trong ngắn hạn, điều này chưa xảy ra mạnh mẽ. Bằng chứng là trong nửa đầu năm nay, lượng kiều hối về Việt Nam bằng 44,5% so với năm ngoái.
Vị chuyên gia này dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ cuối năm là lúc người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào gửi tiền về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, người dân ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước, cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô là những yếu tố khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước
Tạo lập nguồn kiều hối ổn định, bền vững
Để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, giới chuyên môn cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng hình thức vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước...
Đối với nhóm kiều bào, PGS. TS. Đỗ Thị Kim Hảo và nhóm cộng sự của Học viện Ngân hàng cũng khuyến nghị, cần có các chính sách tạo điều kiện cho những công dân định cư nước ngoài, Việt kiều và hỗ trợ họ được tham gia vào các hoạt động thương mại trong nước. Ví dụ như về góp vốn, cổ phần với các tổ chức doanh nghiệp trong nước; có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào; tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào mua đất đai, nhà ở và đầu tư bất động sản tại quê hương.
Thêm nữa, Chính phủ cần chủ động ký kết với các nước những hiệp định, hiệp ước bảo vệ quyền lợi cho kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, từ đó kiều bào có cuộc sống ổn định, quay trở lại đầu tư và xây dựng đất nước.
Về phía các tổ chức tín dụng, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ. Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có tác động kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị các ngân hàng cần có chính sách thu phí dịch vụ chuyển tiền một cách hợp lý giúp dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn. Từ đó, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở các khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.
Huyền Anh