Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết lượng kiều hối trong 2 tháng đầu năm vẫn tiếp tục chảy mạnh về trong nước. Uớc tính lượng kiều hối tháng 1/2022 tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế cho thấy với việc thu hút kiều hối lên tới hàng chục tỷ USD, Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ dồi dào, làm tăng thêm dự trữ ngoại hối. Nhờ tấm đệm an toàn là dự trữ ngoại hối dồi dào giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định được VND trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và đồng nội tệ của các nước khác trên thế giới mất giá.
Dự báo trong năm 2022, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi và có thể duy trì mức tăng trưởng 5% - 7%. |
Các chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến tỷ giá USD/VND rục rịch tăng mạnh. Cùng với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có nhiều đợt tăng lãi suất và lạm phát trong nước có dấu hiêụ tăng khiến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vất vả hơn. Tuy nhiên, các tác động ngắn hạn đối với tỷ giá không quá mạnh (biến động dưới 2%) nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục.
Tại báo cáo thị trường tiền tệ tuần 28/2 - 4/3, các chuyên gia của Trung tâm phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán SSI, trên thị trường ngoại hối, trong tuần qua, đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.850 VND/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 20 đồng, kết tuần ở mức 22.670 -22.980 VND/USD.
Tỷ giá trên thị trường tự do không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23.460 - 23.510 VND/USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, 2022 là năm các nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang phục hồi kinh tế và phát triển, điều này sẽ giúp cho người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào có thêm thu nhập và có thể tăng lượng kiều hối gửi về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy có những yếu tố lo ngại do lạm phát tăng cao ở các quốc gia này, song lượng kiều hối năm 2022 của Việt Nam dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích cực.
Chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực phân tích: “Về cơ bản kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực, do một số nguyên nhân như tình hình thế giới đang phục hồi tích cực, người dân, Việt kiều đang có nguồn thu nhập ổn định trở lại; thứ hai là trong nước có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn và qua đó kiều bào có mong muốn chuyển tiền về giúp gia đình, vừa là để đầu tư sinh lời với những kênh đầu tư hấp dẫn”.
Chuyên gia này dự báo, trong năm 2022, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi và có thể duy trì mức tăng trưởng 5% - 7%.
Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước và số liệu của một số định chế tài chính khác, Việt Nam vẫn nằm trong top các quốc gia nhận kiều hối cao trên thế giới.
Cụ thể, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng kiều hối thu hút được 12,5 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó, kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%...
Một số liệu khác theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD đưa ra, năm 2021 Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối. Theo đó, WB cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào gặp rất nhiều khó khăn song vẫn luôn hướng về quê hương. Việc người Việt ở nước ngoài liên tục gửi tiền về nước là một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần rất nhiều vốn đầu tư.
Huyền Anh