Ngày 24/4, NHNN cho biết vừa ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực từ hôm nay (24/4).
Theo khoản 11, Điều 4 của Thông tư 16, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.
Thông tư mới ban hành của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 1 năm sau khi bán. |
Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, mà tổ chức tín dụng đã bán khi bên mua từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN khẳng định, việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một số ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi đã “mở van” cho ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh khoản thị trường trái phiếu, song chưa giải quyết được nhu cầu quan trọng nhất đối với vấn đề nợ trái phiếu đến hạn là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ, đó là hông cho phép các ngân hàng mua TPDN để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Điều này có nghĩa thanh khoản thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục khó khăn thời gian tới.
Số liệu mới nhất VIS Rating công bố đầu tháng 4/2023 cho thấy, năm 2023, tổng dư nợ trái phiếu đáo hạn của các tổ chức tài chính là gần 60.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, con số này đạt trên 120.000 tỷ đồng.
“Rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn có thể kiểm soát được, vì trái phiếu đáo hạn trong hai năm tới chiếm dưới 10% tổng tài sản đối với hầu hết các ngân hàng và công ty chứng khoán. Các ngân hàng chủ yếu huy động vốn thông qua tiền gửi của khách hàng. Trong khi các đợt tăng vốn cổ phần gần đây của các công ty chứng khoán đã giúp họ bắt kịp đà tăng trưởng của ngành”, VIS Rating nhận định.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, NHNN đã phải cân đối giữa cả hai yếu tố là hỗ trợ thị trường và kiểm soát rủi ro thị trường. Trong bối cảnh hiện tại thì đây là giải pháp khả thi nhất mà cơ quan điều hành có thể thực hiện.
Thanh Hoa