Trả lời kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.
Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng đó cam kết với nhà đầu tư. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Về trách nhiệm của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-NHNN, trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Trong đó, nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu và phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các cam kết này.
"Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng đó thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết vừa triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm.
Thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp kiểm soát và hạn chế rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó…
Mới đây, cử tri TP.HCM cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kịp thời có thông tin giải quyết đầy đủ về vụ việc của Ngân hàng SCB để người mua trái phiếu doanh nghiệp an tâm hơn.
Về kiến nghị trên, Bộ Tài chính trả lời: "Đối với kiến nghị liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB chào mời nhà đầu tư mua trái phiếu, cơ quan điều tra đang xử lý vụ việc này. Đến nay, Bộ Tài chính không nhận được thông tin về tiến độ, kết quả và kiến nghị xử lý đối với việc này".
Thanh Hoa