Thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. |
Tại Toạ đàm “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” được tổ chức ngày 25/3, các chuyên gia đánh giá hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Hành lang pháp lý vẫn "dậm chân tại chỗ". TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).
Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.
Mặc dù vậy, các chuyên gia khẳng định, thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng tín dụng đen (cho vay bất hợp pháp, lãi suất bất hợp pháp và thu hồi nợ bất hợp pháp) không những không suy giảm, mà còn gia tăng một cách ngày càng trầm trọng, với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm phần trăm mỗi năm.
Nguyên nhân là do còn có một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn (3 công ty hàng đầu chiếm đến hơn 75% thị phần).
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, qua theo dõi hoạt động cho vay tiêu dùng, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn.
Nguyên nhân là người vay chưa chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; Một số công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu; Ngân hàng chính sách xã hội chưa bổ sung được nguồn vốn kịp thời; Người dân ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được tín dụng chính thức.
Bà Tùng cũng nêu một số giải pháp mà NHNN đã triển khai đồng bộ để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen như hoàn thiện khung pháp lý, khơi thông dòng vốn ngân hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn…
Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn lực cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bên cạnh đó, công ty tài chính cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh.
Đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money…).
Không nên gắn tài chính tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen. Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, tài chính tiêu dùng, xét về lợi ích thì người dân đã có nhu cầu từ rất lâu và lợi ích rất nhiều.
Cách đây 10 năm, người dân đủ tiền thì mua, còn bây giờ là xu hướng vay rồi mua, hoặc thậm chí thuê về dùng.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen, ông Hiếu cho rằng, tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan, nhưng chưa chắc là công cụ chính.
Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, nhiều quốc gia thống kê số liệu này hàng ngày, hàng tuần để điều hành nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất.
Song theo ông Hiếu, Nhà nước kiểm soát càng chặt thì hình thức phi chính thức càng phát triển, do đó chỉ cần để thị trường này phát triển tự nhiên theo nhu cầu thị trường là thành công. "Bất kể hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, Nhà nước không thể can thiệp ngăn chặn rủi ro này", ông Hiếu nhấn mạnh.
Từ đó, ông Hiếu chia sẻ: “Cần để thị trường phát triển đúng, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng và không phải chịu sứ mệnh gì”.
Đồng tình, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit nhấn mạnh quan điểm, hãy để tài chính tiêu dùng phát triển theo thị trường.
“Chúng tôi hoạt động kinh doanh dựa trên rủi ro, lợi ích của chúng tôi. Cho vay bao nhiêu, lãi suất thế nào dựa trên chúng tôi cho vay hay không, khách hàng có trả nợ được không. Tất cả điều đó đã điều chỉnh mối quan hệ kinh tế giữa người vay và người cho vay rồi”, đại diện FE Credit nói.
Ông Phúc lập luận, áp dụng nhiều quy định luật pháp chưa phù hợp thì càng gây khó khăn, bóp méo thị trường.
Cho vay tiêu dùng hiện nay gần như toàn bộ là cho vay tín chấp, vậy thì đòi nợ thế nào? Khác với cho vay thế chấp, nếu không gọi điện thoại thì cho vay tín chấp làm sao đòi nợ được?
"Trong vấn đề đòi nợ, từng nhân viên đôi khi có hành vi không đúng, nhưng tổng thể, không một tổ chức tín dụng hay công ty tài chính nào vi phạm pháp luật", ông Phúc khẳng định.
Thanh Hoa