Đến cuối tháng 7, cho vay phục vụ đời sống đạt tăng trưởng 2,25% và chiếm 20,09% tổng dự nợ. |
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, những năm gần đây, tín dụng tăng trưởng phù hợp, được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, các giải pháp, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thống kê, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%. (Cụ thể, năm 2016: 18,25%; năm 2017: 18,28%; năm 2018: 13,89%; năm 2019: 13,65%).
Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, ở các lĩnh vực ưu tiên trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, hoạt động tiêu dùng của người dân cũng bị hạn chế khiến dư nợ của các lĩnh vực này không tăng cao như cùng kỳ năm 2019.
Tính đến cuối tháng 6/2020, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 3,19%, chiếm 24,81%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,67%, chiếm 19,18%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,72%, chiếm 2,95%; công nghiệp hỗ trợ giảm 1,15%, chiếm 2,69%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,23%, chiếm 0,36%.
Đáng lưu ý, ở hoạt động cho vay phục vụ đời sống - khu vực cho lãi biên cao trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại cũng thể hiện đà suy giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng. Cập nhật mới nhất, đến cuối tháng 7/2020, tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống có hồi nhẹ nhưng vẫn rất thấp so với những năm trước, tăng 2,25% và chiếm 20,09% tổng dự nợ.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, hoạt động chủ yếu: huy động vốn, cho vay, chất lượng tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình thanh khoản, việc thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động...
Để kiểm soát và giảm rủi ro phát sinh từ hoạt động của các công ty tài chính, bảo vệ quyền lợi khách hàng, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số Thông tư quy định cụ thể về hoạt động cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có các công văn chỉ đạo các đơn vị kiểm soát tốt việc cấp tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống của các công ty tài chính tiêu dùng, chi nhánh và văn phòng đại diện của các công ty tài chính tiêu dùng. Đồng thời yêu cầu TCTD, công ty tài chính tiêu dùng chấn chỉnh lại hoạt động cho vay tiêu dùng, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ đảm bảo minh bạch, đúng quy định.
Đặc biệt, với một số TCTD có tỷ trọng cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có cấp tín dụng tiêu dùng ở mức cao hoặc có xu hướng tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc trực tiếp để kịp thời kiểm soát hoạt động cấp tín dụng của các đơn vị này.
Thanh Hoa