Chiều ngày 5/12, tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), ông Nguyễn Anh Phong, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: Thị trường TPCP chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động ngày 24/9/2009. Sau 15 năm vận hành, chất lượng thị trường từng bước phát triển theo chiều sâu, thanh khoản trái phiếu tăng mạnh, từ mức khiêm tốn chỉ 365 tỷ đồng/phiên vào năm 2009 đã tăng lên khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên vào năm 2024, giá trị giao dịch Repo (hợp đồng mua lại) tăng từ mức 6,5% năm 2009 lên mức 40% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
“Thị trường TPCP chuyên biệt đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho ngân sách nhà nước và là thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và hàng hóa của nền kinh tế", ông Phong nhấn mạnh.
Đáng chú ý, những năm gần đây, TPCP rất hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng dài hạn là 60,5% (tăng khoảng 40% so với năm 2009).
Thị trường TPCP đã thực hiện tốt chức năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư phát triển. |
Riêng trong tháng 11/2024, HNX tổ chức 17 đợt đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành. Theo đó, KBNN gọi thầu TPCP tại 5 kỳ hạn gồm 5, 10, 15, 20 và 30 năm, huy động được 20.760,5 tỷ đồng.
Lãi suất phát hành liên tục giảm (từ mức 6-8% trước năm 2014 xuống 2-4% hiện nay). Tại thời điểm cuối tháng 11, đối với các kỳ hạn 5, 10 và 30 năm lần lượt là 1,91%, 2,68% và 3,15%, tăng nhẹ từ 0,02%-0,05%/năm so với cuối tháng 10.
Lãi suất huy động giảm đáng kể trong những năm qua, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô.
Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thanh khoản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết TPCP tại thời điểm 30/11/2024 đạt 2.215.523 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 13.647 tỷ đồng/phiên, tăng 14,21% so với tháng trước.
Lũy kế đến 30/11/2024, tổng giá trị giao dịch thứ cấp TPCP đạt 2.607.288 tỷ đồng, bình quân 11 tháng đầu năm đạt 11.435 tỷ đồng/phiên, tăng 75,5% so với bình quân cả năm 2023.
Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 11 chiếm 1,8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị mua ròng 147 tỷ đồng.
Các chuyên gia khẳng định, khối lượng vốn huy động trong nước từ phát hành TPDP tăng giúp giảm dần tỷ lệ nợ vay nước ngoài trong tổng mức vay của Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường TPCP đã thực hiện tốt chức năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư phát triển, gắn việc tổ chức phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ; hỗ trợ các ngân hàng chính sách phát hành TPCP bảo lãnh và chính quyền địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Tại Chiến lược tài chính và chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn. Với chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường TPCP cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục phát triển thị trường TPCP làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu, đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đối với thị trường sơ cấp TPCP, phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo hướng bền vững, đảm bảo có đầy đủ kỳ hạn trái phiếu từ 3 - 30 năm. Đối với thị trường thứ cấp TPCP, tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.
Thanh Hoa