Trong báo cáo về tình hình nợ công năm 2023 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết trên cơ sở thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động cả năm 2023 ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch vay).
Trong đó, vay trong nước dự kiến sẽ huy động khoảng 547.085 tỷ đồng, chủ yếu phát hành trái phiếu chính phủ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra từ 9-11 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9 năm, giảm 0,14 năm so với năm 2022. Lãi suất phát hành bình quân là 3,7-4%/năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với năm 2022 (3,48%/năm).
Tỉ lệ nợ công so với quy mô GDP của Việt Nam giảm mạnh trong 5 năm qua, từ mức 61,4% GDP năm 2017 xuống còn 37,4% GDP năm 2022. |
Cùng với đó, vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 57.294 tỷ đồng, chiếm khoảng 10%, trong đó vay cho hỗ trợ ngân sách chung phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ước 15.000 tỷ đồng, vay về cho vay lại ước 14.626 tỷ đồng, còn lại là phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển chương trình, dự án.
Cũng theo Chính phủ, trong năm, tỷ giá các đồng tiền có biến động dẫn đến việc sử dụng dự toán bằng tiền đồng ít hơn khi mua ngoại tệ để trả nợ.
"Căn cứ tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, đến thời điểm 26/9/2023, đồng USD tăng 3,41%, EUR tăng 2,72%, JPV giảm 7,99% so với 1/1/2023. Tính riêng tác động tỷ giá của 3 loại tiền trên, dư nợ nước ngoài Chính phủ cuối năm 2022 nếu quy theo tỷ giá đồng USD, EUR và JPY ngày 26/9/2023 so với tỷ giá đầu năm 2023 giảm khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng 0,07% GDP năm 2022", báo cáo phân tích.
Cũng theo bản tin nợ công vừa được Bộ Tài chính phát hành, cho biết tỉ lệ nợ công so với quy mô GDP của Việt Nam giảm mạnh trong 5 năm qua, từ mức 61,4% GDP năm 2017, đến năm 2018 giảm xuống 58,3% GDP, năm 2019 còn 55% GDP, năm 2020 còn 55,9% GDP, năm 2021 còn 43,1% GDP và đến năm 2022 giảm sâu xuống còn 37,4% GDP.
Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), nợ công của Việt Nam năm 2022 thấp hơn với các quốc gia so sánh trong khu vực - Indonesia (40,9%) GDP, Philippines và Thái Lan (cả hai ở mức 60,9% GDP) và Ấn Độ (89,2% GDP). Qua đó cho thấy, chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ có thể được tiếp tục thực hiện mà không ảnh hưởng đến bền vững nợ. Đồng thời, WB dự báo nợ công của Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025.
Có hai nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ nợ công so với quy mô GDP giảm mạnh, đó là do tính toán đầy đủ lại quy mô GDP của nền kinh tế và quy mô GDP tăng lên trong những năm qua.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nợ công, nhằm chuyển sang trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài. Điển hình, trong 6 tháng đầu năm 2023. Tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 180.000 tỷ VND (tương đương 45% kế hoạch năm). Khoảng 95% trái phiếu Kho bạc Nhà nước được phát hành với kỳ hạn dài (10-15 năm).
Xu hướng nợ công giảm, theo đánh giá của Bộ Tài chính đã góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Năm 2022, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm. Điều này sẽ có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thanh Hoa