Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức tín dụng hiện là nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ lớn thứ 2 sau Bảo hiểm xã hội.
Hiện, lãi suất kỳ hạn 10 năm khoảng 2,2%/năm, 30 năm khoảng 3%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Mặc dù việc đầu tư, nắm giữ trái phiếu Chính phủ hầu như không phát sinh rủi ro tín dụng, tuy nhiên do huy động tiền gửi của hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi trái phiếu Chính phủ lại có kỳ hạn dài, nên để bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản điều chỉnh hoạt động mua, đầu tư, nắm giữ trái phiếu Chính phủ của tổ chức tín dụng như: Quy định tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Tổ chức tín dụng nắm giữ 793.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ |
Thời gian qua, việc huy động trái phiếu Chính phủ liên tục ế. Thống kê cả quý I/2022, Kho bạc Nhà nước mới huy động tổng cộng 41.062 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ, hoàn thành 10% kế hoạch cả năm. Câu chuyện này tiếp diễn sang tháng 4.
Điển hình, tuần 11/4-18/4, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6.000 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, chỉ có 120 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 30 năm.
Về bản chất, trái phiếu Chính phủ là loại tài sản có tính an toàn cao, khả năng bảo toàn vốn cho khách hàng gần như tuyệt đối. Song, tốc độ huy động trái phiếu Chính phủ thường phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế. Thông thường, khi nền kinh tế xuất hiện khó khăn, trái phiếu Chính phủ hút hàng do nhu cầu đầu tư vào kênh này tăng mạnh và lợi suất theo đó sẽ giảm.
Ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi, trái phiếu Chính phủ sẽ không hấp dẫn vì vốn sẽ đổ vào các kênh rủi ro, lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tăng. Theo các chuyên gia, ngân hàng vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Năm 2020 và 2021, nhiều ngân hàng không cho vay được đã chuyển sang đầu tư trái phiếu Chính phủ, dẫn đến tốc độ huy động vốn rất nhanh.
Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao. Vì vậy, ngân hàng không còn quá dư dả thanh khoản để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Điều này được thể hiện ở tỷ lệ đăng ký thầu trong tuần qua chỉ ở mức 1,6 lần so với khối lượng gọi thầu, trong khi bình quân năm 2021 là khoảng 2,4 lần.
Bên cạnh đó, lãi suất đăng ký ở các kỳ hạn đều tăng mạnh, điều này cho thấy các thành viên tham gia thị trường đang đặt kỳ vọng rất lớn vào đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, do Kho bạc Nhà nước chưa gặp phải áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ các dự án (giải ngân đầu tư công trong quý I/2022 chỉ đạt 11% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ) nên cung cầu vẫn chưa thể gặp nhau.
T.H