Trước đó, một số ý kiến đề xuất đánh thuế với giao dịch mua bán vàng giúp quản lý thị trường vàng hiệu quả trong dài hạn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng hiện nay có hai danh mục vàng: Một là vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý, hai là vàng trang sức. Chính sách thuế về hai loại vàng này là rất rõ ràng.
Phân tích rõ hơn, ông Phụng cho biết, đối với vàng ngoại hối, vàng nguyên liệu thì Nhà nước thực hiện độc quyền nhập khẩu, với mục đích để ngân hàng trung ương dự trữ cho nền kinh tế. Biểu thuế áp dụng với loại vàng này là 0%. Vàng loại này thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo các chuyên gia, biện pháp quản lý thị trường vàng hữu hiệu hiện nay là phải hướng đến xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không? |
Đối với vàng trang sức, biểu thuế cho nhập khẩu vàng loại này là dưới 3%. Tương tự như vậy, thuế giá trị gia tăng áp dụng cho vàng trang sức sẽ giống như hàng hóa thông thường, mức thuế giá trị gia tăng là 10%.
Theo ông Phụng, bản chất vàng là tài sản của người dân, chính sách thuế là không đánh thuế giá trị gia tăng đối với tài sản cá nhân. Còn hoạt động kinh doanh được áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng là thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán, trừ đi giá mua. Ngoài ra, nếu đó là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.
Từ những phân tích trên, ông Phụng cho rằng, các chính sách thuế hiện nay là tương đối đầy đủ. Chỉ có điều cách quản lý để công bằng, không thất thu thì sẽ cân bằng giữa người mua, người bán và những người có liên quan.
“Tránh để tình trạng doanh nghiệp bán ra 100 cây vàng mà khai báo thuế bán có 20, 30 cây vàng, gây thất thu ngân sách nhà nước”, ông Phụng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nhiều, dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng sẽ phải trả giá quá cao.
Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng hợp tác và chia sẻ thông tin, dữ liệu để giúp Nhà nước quản lý, nắm bắt được doanh số giao dịch vàng. Quản lý được doanh số thì sẽ tăng được nguồn thu, chứ chưa cần thiết phải thêm một loại thuế khác.
Ông cũng cho cho rằng, khi quản lý tốt thị trường vàng cũng góp phần phòng, chống nền kinh tế ngầm, chống giao dịch bất hợp pháp, chống rửa tiền…
Nêu quan điểm về đánh thuế với giao dịch mua bán vàng, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng người dân mua vàng về để tích trữ bằng thu nhập của mình, họ đã làm việc và phải nộp thuế rất nhiều lần. Chính sách thuế với vàng như Quốc hội quy định và Bộ Tài chính tham mưu là hoàn toàn đầy đủ.
"Bây giờ mua vàng để tích trữ, sao lại còn đánh thuế trên tổng giá trị mua vàng? Doanh nghiệp kinh doanh nhập vàng nguyên liệu và chế tác ra vàng SJC, đã nộp 10% thuế giá trị gia tăng cho Chính phủ. Người dân mua về tích trữ, đây là tài sản cá nhân, gây thuế chồng thuế. Chúng ta phải phân tích cặn kẽ", ông Hoè đặt vấn đề.
Theo các chuyên gia, biện pháp quản lý thị trường vàng hữu hiệu hiện nay là phải hướng đến xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không? Bởi nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất, mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái.
Trên thế giới, có nhiều quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái, còn việt Nam thì hoàn toàn không có. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, việc thiếu sàn giao dịch vàng, trong khi nhu cầu của người dân có, dẫn tới những hoạt động lừa đảo từ đối tác từ nước ngoài hay thậm chí cả ở Việt Nam cũng lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái. "Nếu không sớm có cơ chế quản lý, sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái đó. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo”, ông Hà cho hay.
Dẫn chứng thêm, ông Phạm Xuân Hòe cho biết tại Trung Quốc, Thái Lan đều triển khai quản lý thị trường vàng gắn với thị trường tài chính (hàng hóa phái sinh). Qua đó giúp người dân không phải “ôm” quá nhiều với vàng vật chất và nhà nước cũng có thể huy động được vàng trong dân.
“Việt Nam đã có sàn hàng hóa là sàn cà phê, sàn cá tra do Bộ Công thương quản lý. Bản chất nó vẫn là các sàn tài chính, bởi đó là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Có nghị định khung về vấn đề này và cho phép thí điểm 3 - 5 năm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, tránh để tình trạng thí điểm chưa xong đã cho bùng nổ để rồi quay lại thắt chặt”, ông Hòe kiến nghị.
Theo các chuyên gia, nên cho phép các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư … triển khai nghiệp vụ này. Người dân có thể tham gia đầu tư qua quỹ để giảm bớt rủi ro.
Được biết, trên thế giới, ở một số thời điểm nhất định, một số quốc gia cũng ban hành chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng vật chất.
Phân tích thêm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, tại Mỹ ở một số thời điểm nhất định cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân một tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được, nhưng nhà nước sẽ phát hành cho người dân một tín chỉ thay vì là vàng nguyên chất. Ngân trung ương vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dữ trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.
Ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá, Chính phủ một số nước cũng thực hiện việc phát hành tín chỉ quỹ ETF như vậy cho người dân. Với các giải pháp này, thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán được và trả lời cho câu hỏi đầy tranh cãi là số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu?
Thanh Hoa