Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo dừng hoạt động đấu thầu bán vàng miếng SJC bắt đầu từ ngày 27/5/2024. Thay thế cho hoạt động đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới từ ngày 3/6/2024.
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu vàng từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, sau một tháng thực hiện, phương án đấu thầu vàng chưa phát huy hiệu quả.
Từ ngày 19/4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, trong đó có 6 phiên thành công với tổng kết quả trúng thầu 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn vàng) được cung ứng ra thị trường. Hai phiên đấu thầu có khối lượng lớn nhất là ngày 16/5 và 23/5, lần lượt 12.300 và 13.400 lượng vàng được đấu thầu thành công.
Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng/lượng. |
Đáng chú ý, giá trúng thầu thường cao hơn giá mua vào trên thị trường. Theo đó, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên. Điển hình như giá trúng thầu vàng miếng ngày 21/5 cao hơn giá mua vào trên thị trường 920.000 đồng/lượng.
Tình trạng này khiến nhiều ý kiến cho rằng đấu thầu vàng đang làm lực đẩy, khiến giá vàng miếng tăng phi mã. Hiện nay, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu so sánh với mức chênh lệch ở thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là 9,53 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã tăng gần gấp đôi.
Trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng giải pháp đầu thầu vàng từ Ngân hàng Nhà nước chưa hiệu quả. Theo các đại biểu, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu thì giá vàng lại tăng. Do giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu, mức giá sàn (mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu) đang cao nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.
Với động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia nhận định, để bình ổn thị trường vàng nhà quản lý đang tính đến giải pháp căn cơ đó là đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp, thay vì sử dụng giải pháp tình thế vừa qua là đấu thầu vàng.
"Việc cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Đây là phương án hiệu quả để hạ nhiệt giá vàng trong nước", một chuyên gia đánh giá.
Theo vị này, có hai phương án được kiến nghị, một là cấp quota (hạn mức) cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng, hai là Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp.
Từ đó có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.
Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 16/5 tại TP.HCM, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, bởi các doanh nghiệp đang không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.
"Chủ trương Chính phủ sắp tới thanh tra, kiểm tra thị trường vàng rất đúng để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch. Mua bán vàng phải có hóa đơn. Nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp nhập vàng để có nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lậu hiện nay rất nhức nhối", bà Hằng nói.
Bên cạnh đấu thầu vàng miếng, để quản lý thị trường vàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng với 4 doanh nghiệp lớn là SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và 2 ngân hàng là TPBank và Eximbank. Nội dung thanh tra liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, rửa tiền, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Để bình ổn thị trường vàng trong nước, ngăn chặn thao túng giá, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định các biện pháp hành chính là vô cùng cần thiết. Trong đó, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... là các giải pháp mang tính tình thế.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đánh giá, hiện vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhưng giá vàng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Khi lượng tiền lớn trong dân bị "hút" vào vàng sẽ khiến nguồn vốn bị hao hụt, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Thanh Hoa