Như VnBusiness đưa tin, trong cuộc họp ngày 4/5 vừa qua Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,5% lên mức 0,75-1%, mức tăng mạnh nhất hơn 20 năm qua. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng lãi thêm 0,25% - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Đồng thời, các quan chức Fed cũng gợi ý rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Sau thông tin này, tỷ giá USD/VND vẫn giao dịch tương đối ổn định. Ngày 16/5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết là 23.160 VND/USD, giảm 3 đồng so với cuối tuần trước. Giá USD tại các ngân hàng giao dịch ở ngưỡng từ 22.920 – 22.950 VND/USD (mua vào) và 23.230 - 23.235 VND/USD (bán ra).
Việc Fed tăng mạnh thêm lãi suất USD vừa qua không khiến tỷ giá biến động mạnh, nhưng các chuyên gia cho rằng không nên chủ quan, đặc biệt thời điểm sau quý IV/2022 |
Mặc dù đánh giá đợt tăng lãi suất lần này của Fed không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá, song theo giới chuyên gia tài chính, Việt Nam phải thận trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm, nhất là khi lãi suất USD tăng nhiều lần với cường độ mạnh sẽ phần nào tác động lên tỷ giá.
Một trong những vấn đề mà các chuyên gia lưu ý đó là việc lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ước tính của ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích VnDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.
Về thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của "taper tantrum" (hiện tượng Taper tantrum chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn).
Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước.
Trong khi đó, chuyên gia VnDirect cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong Báo cáo đánh giá nhanh tác động của việc tăng lãi suất nói trên đối với kinh tế thế giới và Việt Nam do TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố mới đây, các chuyên gia cũng nhận định: việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1% (3,5 tỷ USD quy đổi), còn lại là nợ của doanh nghiệp (109,1 tỷ USD quy đổi - chiếm 96,9%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75% theo số liệu ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV từ một báo cáo liên quan khác).
Do không có số liệu về cơ cấu vay ngoại tệ của Việt Nam, Nhóm tác giả giả định Chính phủ vay 40% là bằng đồng USD, doanh nghiệp vay 60-70% là bằng USD, còn lại là bằng ngoại tệ khác. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.
Từ những vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
Hoàng Hà