Ngày 3/8, Bộ Tài chính thông tin về tình hình dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Theo đó, đến ngày 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3.283 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, cơ cấu đồng tiền trong danh mục nợ Chính phủ bao gồm: Tiền VND có dư nợ 2.184 nghìn tỷ đồng; USD 455 nghìn tỷ đồng; JPY 346 nghìn tỷ đồng; EUR 179 nghìn tỷ đồng, các loại tiền khác là 119 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến ngày 1/8 thì 1 USD bằng 23.400 đồng, tăng 1,1% so với đầu năm 2022, ước làm tăng dư nợ Chính phủ bằng USD quy VND khoảng 5 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021; 1 EUR bằng 24.385 đồng, giảm 9,5% so với đầu năm 2022, ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng EUR quy VND khoảng 17 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021; 1 JPY bằng 180 đồng, giảm 13% so với đầu năm 2022, ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng JPY quy đồng khoảng 45 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Tình hình dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong tiên lượng từ đầu năm và trong tầm kiểm soát. |
Do đó, theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57 nghìn tỷ (giảm 2% so với dư nợ cuối 2021).
Ngoài ra, hiện nay, khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm, theo Bộ Tài chính, các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần, từ đó giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính khẳng định: Trước việc tăng giá của đồng USD, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều. Tình hình dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong tiên lượng từ đầu năm và trong tầm kiểm soát.
Trước đó, nhận định về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Một trong những vấn đề mà các chuyên gia lưu ý đó là việc lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ước tính của ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích của VnDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.
Trong Báo cáo đánh giá nhanh tác động của việc tăng lãi suất nói trên đối với kinh tế thế giới và Việt Nam công bố mới đây, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng nhận định: việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1% (3,5 tỷ USD quy đổi), còn lại là nợ của doanh nghiệp (109,1 tỷ USD quy đổi - chiếm 96,9%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75% theo số liệu ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV từ một báo cáo liên quan khác).
Do không có số liệu về cơ cấu vay ngoại tệ của Việt Nam, Nhóm tác giả giả định Chính phủ vay 40% là bằng đồng USD, doanh nghiệp vay 60-70% là bằng USD, còn lại là bằng ngoại tệ khác. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.
Từ những vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
Thanh Hoa