Trong phiên giao dịch hôm qua (11/9), Ngân hàng Nhà nước đã đưa tỷ giá trung tâm lên mức 24.005 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước, lên mức cao nhất từ trước tới nay. Kể từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 393 đồng, tương đương 1,66%.
Đáng chú ý, trong khoảng một tháng qua, tỷ giá trung tâm đã liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên nhanh chóng, kéo theo chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) vọt lên. Hiện, chỉ số DXY đang ở mức 104,61 điểm, cao nhất kể từ tháng 2/2023.
Tại Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng tỷ giá bán ra USD thêm 13 đồng, lên mức 25.155 VND/USD, trong khi giữ nguyên giá mua vào ở mức 23.400 VND/USD. Giá bán USD của nhà điều hành vẫn được duy trì thấp hơn 50 đồng so với mức giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch, cho thấy Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho thị trường trong trường hợp tỷ giá tăng nóng.
Nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ
Theo báo cáo mới đây của công ty chứng khoán MBS, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu bởi những tác động ngoại lực. Theo đó, tỷ giá trong nước thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tháng 8. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND.
Theo các chuyên gia tại MBS, hiện tại, tỷ giá đã chính thức vượt lên trên mức 24.000 đồng/USD. So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 470 đồng và hiện giao dịch ở mức 24.140 đồng/USD.
Dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với dự báo Fed có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh. |
MBS nhận định, số liệu gần đây cho thấy USD Index đã tăng lên mức 104,8, là mức cao trong 5 tháng gần đây khi những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ.
“Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong tháng 8, do nhu cầu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và biện pháp kích thích không thể phục hồi tiêu dùng hợp lý”, báo cáo nêu.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 8 khi chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) leo lên mức 104,8 điểm tại ngày 5/9/2023 (tăng 2,9% so với cuối tháng 7).
Đà tăng được thúc đẩy bởi lo ngại về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao trong bối cảnh chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Theo VNDirect, đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng lên mức 24.073 tại ngày 5/9/2023 (tăng 1,6% so với cuối tháng 7 và tăng 1,9% so với đầu năm nay). Đồng thời, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực từ đầu năm đến nay, bao gồm đồng nội tệ của Thái Lan (2,5%), Trung Quốc (5,5%) và Malaysia (5,9%).
“Đà tăng gần đây của tỷ giá cũng có tác động trái chiều tới nền kinh tế. Tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên”, VNDirect nhấn mạnh.
Biến động tỷ giá mạnh như cuối năm 2022 khó có thể xảy ra
Thời gian tới, MBS dự báo tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với khả năng Fed có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay, nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Theo MBS, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,1 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ góp phần tạo sự ổn định cho VND trong khi USD có xu hướng mạnh lên.
Còn theo VNDirect, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp. Dẫu vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ những yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay, bao gồm thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam”, các chuyên gia tại đây phân tích.
VNDirect cũng cho rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD dưới 3% sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam). Ngoài ra, điều này ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup cũng dự báo, biến động tỷ giá mạnh như cuối năm 2022 khó có thể xảy ra. “Thời điểm cuối năm ngoái, Fed đang trong giai đoạn tăng mạnh lãi suất, trong khi hiện tại Fed đang ở chặng cuối của chu kỳ thắt chặt. Ngoài ra, cán cân vãng lai hiện tương đối mạnh và không có sự lo sợ đổ vỡ dây chuyền của hệ thống ngân hàng”, ông phân tích.
Thanh Hồng