Ngày 23/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.898 VND/USD, tăng 12 đồng so với hôm trước và gần như đi ngang kể từ cuối tuần qua.
Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại đảo chiều tăng nhanh, vượt xa mốc 24.000 đồng. Cụ thể, Vietcombank niêm yết ở mức 23.790 - 24.160 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 145 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng hôm trước.
Áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8, khi tỷ giá USD/VND chạm mức 23.963 tại ngày 15/8/2023 (tăng 1,7% so với cuối tháng 6). Tính từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,4%.
Nhiều ý kiến khẳng định, tỷ giá VND/USD chịu áp lực lớn khi duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ.
Giải thích cho các biến động tỷ giá, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá USD/VND trong quý III và khiến tỷ giá biến động mạnh.
“Mặt khác, nếu so với cuối năm 2022, tiền đồng dù mất giá (0,8%) so với đô la Mỹ, nhưng lại tăng giá tương đối so với các đồng tiền chủ chốt khác (như đồng Yên, Baht hay đồng Won) khiến áp lực lên tiền đồng cũng lớn hơn”, SSI nhận định.
Tỷ giá có thể biến động mạnh vào cuối năm 2023 nhưng ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam. |
Còn theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect, một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023 như chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, sau động thái nâng trần nợ công, chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ (NDT) và VNDirect nhận thấy sự tương quan mạnh mẽ giữa VND và NDT trong quá khứ. Đáng chú ý, lạm phát trong nước có thể gia tăng từ cuối quý III/2023.
"Tuy nhiên, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp", VNDirect nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng chia sẻ, vừa hạ lãi suất vừa đảm bảo ổn định tỷ giá; vừa mở rộng tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng nợ xấu; giảm lãi suất cho vay nhưng không giảm nhiều lãi suất huy động,... là những bài toán khó mà các ngân hàng phải tìm được điểm cân bằng.
Ông Tú phân tích: "Giảm lãi suất là bức thiết, nhưng giảm lãi suất quá sẽ dẫn đến mất tỷ giá". Mất tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài; doanh nghiệp, người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng bị đảo lộn.
"Do đó, phải giữ tỷ giá, mà muốn giữ thì lãi suất phải hợp lý. Nếu lãi suất mà hạ nữa thì không ai gửi ngân hàng mà quay ra giữ USD, thế là mất tỷ giá. Nếu như không có niềm tin thì còn ai bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam? Người ta có thể sẽ rút vốn về nước, chính sách thay đổi, họ sẽ tính toán lợi ích ngay”, Phó Thống đốc nói.
VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,0-6,2%/năm trước cuối năm 2023, bởi tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh trong các quý tiếp theo, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhanh do: tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 02 được ban hành cho phép ngân hàng thương mại giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Chúng tôi dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư”, VNDirect nhận định.
VNDirect cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm thặng dư thương mại duy trì mức cao, FDI và kiều hối ổn định; Các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.
Nhìn chung, tỷ giá có thể biến động mạnh vào cuối năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng không quá 2,0% so với đầu năm 2023. Mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, Ngân hàng HSBC, những biến động tăng đột biến của tỷ giá USD/VND chỉ mang tính chất ngắn hạn. Mặc dù những áp lực hiện hữu lên tỷ giá kể trên là tương đối rõ ràng, trong trung và dài hạn, VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại.
"Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu trở lại trong những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ" và "những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực" là những luận điểm chắc chắn cho dự báo trên.
Thanh Hồng