Nhiều nhà mạng đang chờ cấp phép Mobile Money (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng, hầu hết đều có xu hướng tìm đến những phương thức trực tuyến hiện đại và an toàn như ví điện tử, Mobile Banking và sắp tới là Mobile Money.
Thanh toán online “lên ngôi”
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy đến cuối tháng 10/2019 đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt với 28,4%, thanh toán qua thẻ các loại 38% và thanh toán qua kênh di động Mobile Banking khoảng 30%...
Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia và các trung gian thanh toán, trong năm 2019, tỷ lệ thanh toán tiền mặt tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao. Theo số liệu của Tập đoàn IDG Việt Nam, tỷ lệ này chiếm 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thanh toán trực tuyến bùng nổ mạnh mẽ do tác động của dịch Covid-19. “Lo ngại nguy cơ lây lan Covid-19, nhiều người lựa chọn thanh toán online thay vì tiền mặt để tránh những tiếp xúc thông thường. Thị trường ví điện tử, mua sắm trực tuyến vì thế có cơ hội "tự nhiên" để bùng nổ”, một chuyên gia phân tích.
Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh phụ trách VNPAY-QR thông tin: "So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không tiền mặt tăng lên. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%".
Còn ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết: “Trước đây, thị trường thanh toán điện tử sau Tết thường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tăng trưởng tại Momo là hơn 100% so với dự đoán. Giá trị đơn hàng thanh toán bình quân cũng tăng mạnh từ 50-100%. Người tiêu dùng mua và chi tiêu nhiều hơn, trước đây chỉ mua 1-2 món hàng, nay họ mua hàng và thanh toán trên ví điện tử nhiều hơn. Đa số các giao dịch tại MoMo tập trung vào thanh toán siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, thanh toán các khoản vay tài chính tiêu dùng, trả tiền điện, nước, mua sắm thương mại điện tử...”.
Động lực phát triển thanh toán điện tử
Theo Nielsen, dịch Covid-19 dẫn đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng bị tác động đáng kể. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.
Có thể thấy, các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực đã và đang đồng loạt áp dụng biện pháp khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt. Với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ công và giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ, nhằm đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Các nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Tiền di động (Mobile Money), nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá, nếu Mobile Money được sử dụng, số lượng người tham gia sẽ rất lớn, bởi hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này rất phù hợp với những hàng hoá như cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm, cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng..., người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán.
Do đó, Mobile Money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.
Thanh Hoa