Nhiều khách hàng đã chuyển sang phương thức thanh toán online trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát |
Thời gian này, có thể thấy các dịch vụ công trực tuyến, thông tin điện tử, các dịch vụ giải trí trực tuyến (phim, truyền hình, âm nhạc...), mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử sẽ được người dân ưu tiên sử dụng.
"Đòn bẩy" thanh toán phi tiền mặt
Kể từ khi dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế giao dịch tiền mặt, là một trong những yếu tố khiến giao dịch thương mại điện tử và thanh toán số đã và đang tăng nhanh hơn.
Ngành chức năng của nhiều tỉnh, thành trên cả nước khuyến nghị người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế người dân tiếp xúc nơi đông người và thanh toán các dịch vụ bằng tiền mặt để phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, tại các cửa hàng, kênh bán lẻ, số lượng người dân mua trực tiếp đã giảm mạnh, thay vào đó là mua online. Thống kê của một số siêu thị lớn cho thấy những ngày qua khi dịch Covid-19 xảy ra, số lượng người dân đến mua sắm hàng hoá trực tiếp giảm mạnh, trong khi số lượng đơn đặt hàng qua mạng tăng rõ rệt.
Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch Covid-19, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại, lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng".
Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB, cho hay SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt cũng như thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến. Vì thế, nhiều ngân hàng đã nỗ lực miễn giảm phí chuyển tiền online, ngân hàng điện tử cũng như cải thiện các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến.
Tuy chưa có thống kê chi tiết về con số giao dịch điện tử trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, nhưng các chuyên gia đánh giá các fintech, ngân hàng sẽ tận dụng dịp này để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch đồng sáng lập Ví MoMo đánh giá, hiện nay, dịch Covid-19 đang hoành hành trên cả thế giới. Khi có dịch thì điều đầu tiên người dân sẽ thấy được là giao dịch điện tử là một phương thức phòng dịch phù hợp. Thay vì phải rồng rắn xếp hàng, đến những nơi công cộng thì nên giao dịch điện tử để tăng độ an toàn.
Hiện nay, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển khá mạnh, với nhiều hình thức khác nhau như ví điện tử, ngân hàng số. Qua các kênh này, khách hàng có thể sử dụng được các dịch vụ khác nhau như: nạp tiền, thanh toán, nhận tiền miễn phí. |
Phát triển sâu về dịch vụ
Trong khi đó, ông Nguyễn Bách Việt, Phụ trách Microtec Việt Nam tại TP.HCM và Campuchia, đánh giá thời gian tới chưa có đột biến lớn trong thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vẫn còn một số rào cản.
Theo quy định hiện nay, muốn thực hiện thanh toán số phải có tài khoản ngân hàng, nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, 70% dân số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, vì vậy giao dịch thanh toán số chỉ tăng cục bộ tại các khu vực thành thị.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang thiếu hệ sinh thái thanh toán điện tử hoàn chỉnh, chưa có sự liên kết giữa các bên cung cấp dịch vụ thanh toán và các bên có hàng hóa được thanh toán.
Thực tế, nhiều cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ của một số ngân hàng, nên chưa khuyến khích được khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng dịch Covid-19 có thể là điểm kích phát để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp, fintech và ngân hàng phải gia tăng sự liên kết, cung cấp các giải pháp có liên quan đến thanh toán số.
Nhận định về thị trường thanh toán điện tử trong năm 2020, ông Diệp cho rằng sự khác biệt lớn nhất của thị trường Việt Nam là không có ai thống trị toàn bộ hệ sinh thái, mà mỗi đơn vị mạnh ở một ngách thị trường khác nhau. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm phát triển sâu về dịch vụ, thay vì phát triển theo chiều rộng như các năm trước. Việc này hứa hẹn khách hàng sẽ được phục vụ ngày một tốt hơn và có nhiều sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của mình.
"Một điều rất đáng mừng cho fintech là có nhiều công ty nhận đầu tư lớn để phát triển thị trường. Theo tôi, năm 2020, thị trường thanh toán sẽ không có chỗ cho các công ty khởi nghiệp, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng", ông Diệp nói.
Hoàng Hà