Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, điều hành tiền tệ "đang chịu áp lực" trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao, nhưng chúng ta phải điều hành lạm phát ổn định, thậm chí giảm.
Sức ép lạm phát tiếp tục tăng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
Trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng, một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế trong nước đều đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8-4%, thậm chí có dự báo đưa ra con số 4,5% khi từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, giá dầu thô và các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng.
Điều hành tiền tệ cũng đang chịu áp lực trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao |
Có thể thấy, giá xăng dầu đã xô đổ mọi kỷ lục sau kỳ điều chỉnh ngày 13/6, hiện tại giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhiều lo ngại thời gian tới kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi lạm phát tăng cao, liều thuốc của các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa rất lớn, đặc biệt là nhập khẩu/GDP chiếm khoảng 100%. Điều này cho thấy sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu của thế giới, do vậy cũng chịu áp lực của lạm phát. Trong những tháng đầu năm 2022, lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng 2,25%.
Ở góc độ điều hành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, khi các gói trong Chương trình phục hồi kinh tế được triển khai có thể sẽ tác động đến lạm phát. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ phải thực hiện theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như tiến độ giải ngân của các gói hỗ trợ để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ về bản chất, chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, đặc biệt trong điều hành về kiểm soát lạm phát, điều rất quan trọng là phải phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.
“Hiện nay, chúng ta có Ban Chỉ đạo điều hành giá, thông qua Ban này, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, ngành phải phân tích sát diễn biến nguyên nhân của lạm phát để đưa ra sự kết hợp cho phù hợp”, Thống đốc cho biết.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
"NHNN sẽ cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá... để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan lạm phát" Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Chính sách tiền tệ sẽ ra sao?
Nói riêng về vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ, mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn. Ngân hàng Nhà nước có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công.
Trước đó trong báo cáo hồi cuối tháng 3, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định với xu hướng lạm phát đang gia tăng, dự báo các nền kinh tế sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ quý II. Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong quý II và quý III, bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý IV theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của thế giới.
Trái ngược quan điểm trên, tại báo cáo phân tích vĩ mô tháng 5 mới đây của Chứng khoán MB (MBS) các chuyên gia cho rằng, trong năm 2022 áp lực lạm phát tại Việt Nam khá lớn và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức dưới 4% như Quốc hội đề ra gặp rất nhiều khó khăn; đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, các chuyên gia của MBS cho rằng trước thực tế hiện nay, cầu tiêu dùng còn yếu, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp, bất chấp giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu có thể gia tăng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chia sẻ với báo giới trong cuộc hội thảo gần đây, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bên cạnh các yếu tố tiêu cực, tình hình lạm phát không quá nghiêm trọng bởi có nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi dù nhập khẩu lạm phát nhưng Việt Nam cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.
Thêm vào đó, việc kiểm soát cung tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo.
T.H