Lạm phát đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới đều ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng nhiều năm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt? |
Chẳng hạn, Mỹ ghi nhận lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, Anh ghi nhận mức tăng cao trong 30 năm. Gần đây, nền kinh tế Thái Lan cũng ghi nhận mức lạm phát chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm do ảnh hưởng bởi giá dầu.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ kể từ cuối năm 2021 đến nay và tiếp tục phát đi thông điệp sẽ duy trì chính sách này cho đến hết năm 2022.
Ngược lại, tại Việt Nam đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành kể từ quý IV trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào như hiện tại – đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm do cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong báo cáo “Chính sách tiền tệ các NHTW trên thế giới trong bối cảnh lạm phát” vừa được Công ty chứng khoán BSC công bố, các chuyên gia đưa ra nhận định: “với xu hướng lạm phát đang gia tăng, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong quý II và quý III/2022 và bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý IV theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của thế giới”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, lạm phát của Việt Nam không xuất phát từ cung tiền và không có yếu tố cung tiền, nên NHNN không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, tổng cầu Việt Nam vẫn khá yếu, lạm phát vẫn ở thấp, quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. “Bài toán lớn nhất lúc này là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát. Căn cứ vào sức cầu khá yếu của nền kinh tế hiện nay, không có cơ sở nào cho thấy, NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt”, một chuyên gia cho hay.
Hơn nữa, so với các nước trên thế giới, Việt Nam có sự lệch nhịp tăng trưởng so với các nước phát triển trên thế giới. Năm 2021, khi các nước phát triển trên thế giới (Mỹ, châu Âu) phục hồi mạnh mẽ, thì GDP Việt Nam lại giảm sâu vì làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Chính vì phục hồi muộn hơn các nước phát triển, nên lạm phát Việt Nam chưa phải là vấn đề đáng lo.
Chuyên gia phân tích tại ACBS Trịnh Viết Hoàng Minh cũng cho rằng, quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2022 sẽ không bị nhiều tác động lớn. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể nhích nhẹ 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022.
Thanh Hoa