Theo báo cáo mới nhất về hoạt động phát hành trái phiếu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị TPDN phát hành trong tháng 4 là 16.472 tỷ đồng.
Trái phiếu ngân hàng chiếm gần 91%
Thống kê của VBMA cho thấy, trong tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng, không có đợt phát hành TPDN ra công chúng. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 là các ngân hàng thương mại (NHTM) với 14.940 tỷ đồng, chiếm tới 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong đó, MB là đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng cho kỳ hạn 3 năm; Sacombank đứng sau với 2.500 tỷ đồng cũng cho kỳ hạn 3 năm.
Trong tháng 4, nhóm ngân hàng vươn lên vị trí dẫn đầu về phát hành TPDN |
Đáng chú ý, TPDN từ nhóm ngành bất động sản trước đây luôn dẫn đầu số lượng phát hành, nhưng tại kỳ này lại vắng bóng.
Điển hình là trong tháng 3, bất động sản là nhóm có khối lượng phát hành lớn nhất, với giá trị đạt 1.691 tỷ đồng (chiếm 46,7% giá trị phát hành trong tháng).
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự xáo trộn của thị trường nợ này do động thái siết bất động sản với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, điển hình nhất là vụ huỷ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Mặc dù vậy, nếu xét khối lượng TPDN phát hành luỹ kế từ đầu năm đến nay, vị trí quán quân vẫn thuộc về nhóm bất động sản với giá trị phát hành là 28.856 tỷ đồng, chiếm 37,35%. Kỳ hạn từ 1 - 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21.559 tỷ đồng, tương đương 74,71%.
Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24.393 tỷ đồng, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các NHTM là 4,03 năm, lãi suất phát hành thường được thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh.
"Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP; và kiến nghị Quốc hội rà soát tổng thể các quy định về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán".
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Trong nhóm này, MB phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng. Vị trí liền kề là VIB với 3.948 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu kế hoạch phát hành thời gian tới của HDBank với tổng khối lượng 18.000 tỷ đồng và BIDV tới 35.000 tỷ đồng thành công - vị trí quán quân hiện tại của nhóm bất động sản dự kiến sẽ có sự thay đổi.
Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ rời cuộc chơi trái phiếu
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng, lượng phát hành quy mô lớn do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác. Vấn đề này tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Theo cảnh báo của Bộ Xây dựng, có 3 trường hợp phát hành TPDN mang lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư là: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu; thậm chí có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu. Trường hợp thứ 2 là kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3 - 5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản huy động để triển khai dự án; trong khi đó, thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm. Thứ 3 là một số doanh nghiệp dùng tài sản đảm bảo là các bất động sản, dự án trong khi việc định giá tài sản đảm bảo có thể không sát với giá thực tế; thậm chí định giá cao hơn giá trị thực.
Điển hình là vào tháng 12/2021, Công ty CP Bách Hưng Vương có vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng nhưng phát hành xong 2.980 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng. Đáng nói, các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu của Bách Hưng Vương không được công bố.
Tương tự, Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn có vốn điều lệ 250 tỷ đồng nhưng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (PKIM) cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm nhưng danh sách trái chủ không được công bố. Trước đó, Phúc Khang Corp đã thế chấp toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu ở PKIM được định giá 374,5 tỷ đồng tại TPBank.
Trước những rủi ro này, cùng với hàng loạt chính sách thắt chặt thị trường TPDN, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo lần 5 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trong đó quy định về điều kiện phát hành TPDN khắt khe hơn nhiều so với hiện tại. Cụ thể như: tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức vay trái phiếu tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán về tài sản đảm bảo với trái phiếu…
Nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định mới này sẽ buộc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện phải dừng cuộc chơi trái phiếu. Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital đánh giá, sau sự cố Tân Hoàng Minh, tất cả các bên, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cảm thấy giật mình. Việc chấn chỉnh thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, ông Đức cũng khuyến nghị, Bộ Tài chính vẫn cần trung hòa để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa thúc đẩy thị trường TPDN.
Thanh Hoa