GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Trong ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên - Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” đồng chủ biên sắp công bố tới đây, chúng tôi đánh giá khu vực ngân hàng đang xuất hiện một số rủi ro. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều bất ổn".
Tiềm ẩn rủi ro
Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ tín dụng bán lẻ chiếm 42% tổng dư nợ, tập trung vào cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô. “Sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao”, ông Chương cho hay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, trong đó phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, với tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay đối với bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hơn so với mức tăng bình quân |
Trong khi đó, tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao, thậm chí có nhiều doanh nghiệp không niêm yết.
Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay, chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" mới đây, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, hiện nay, ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng 30%; công ty chứng khoán 30-31%; tổ chức khác 26%, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 5%-10%... Về thông tin tài sản bảo đảm, chủ yếu là doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, bảo đảm bằng cổ phiếu và không có tài sản bảo đảm chiếm khoảng 20%.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 tổ chức ngày 20/4, cổ đông ABBank cũng đặt câu hỏi liên quan đến dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng cho biết, trong năm 2021, dư nợ bất động sản của ABBank có tăng, tuy nhiên, tỷ trọng chưa phải là cao, hiện tại chiếm 6% tổng dư nợ, còn cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ.
“ABBank là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo, nên không nằm trong nhóm ngân hàng bị hạn chế và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản thời gian tới”, Chủ tịch ABBank nói.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ mới đây, cổ đông của SHB cũng gửi câu hỏi chất vấn HĐQT về tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ tín dụng bất động sản. Đại diện ngân hàng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản của SHB chiếm 6,75% trên tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.
"Về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tôi khẳng định các khoản đầu tư của SHB đều đúng mục đích, có tài sản đảm bảo an toàn tuyệt đối và có thanh khoản cao", Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển nói.
Siết cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cả năm nay tăng khoảng 12% và sẽ điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Tín dụng được tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Qua thống kê, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020, nhưng từ tháng 3 đã tăng trở lại. Tín dụng các dự án BOT và BT giao thông đạt 108.000 tỷ đồng, giảm 0,15%. Tín dụng phục vụ đời sống đạt 1,87 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
"Tín dụng đối với một số lĩnh vực đều tăng trưởng khá, nhưng cho vay đối với bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hơn so với mức tăng bình quân. Sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán là tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu từng tổ chức tín dụng phải điều hành sao cho tăng trưởng tín dụng an toàn, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại như Sacombank, Techcombank đã có thông báo tạm dừng cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Theo đại diện các ngân hàng, đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tập trung ưu tiên vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Huyền Anh