Bộ Tài chính đã phát hành 96,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhằm đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 44,22% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019, nếu tính cả thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013 và suy giảm so với cùng kỳ ở cả ba lĩnh vực kinh tế. Trong đó thu nội địa đạt 44,11% dự toán, giảm 8%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,5%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,4% dự toán, giảm 21,9% so với cùng kỳ 2019.
Xét theo khu vực kinh tế, thu nội địa từ ba khu vực kinh tế đều ở mức thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,8% dự toán, giảm 6,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán, giảm 16,1%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, qua đó thúc đẩy một số ngành nghề khác như thương mại, du lịch, dịch vụ, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Cụ thể giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít. Cùng với đó, thuế GTGT cũng giảm tương ứng 10% mức giảm thuế BVMT là 90 đồng/lít.
Dự đoán sau khi đề xuất này được thông qua, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 72 - 80 tỷ đồng/tháng. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn kéo dài.
Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, giảm 0,9% và chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.
Để đối phó với dịch bệnh, Chính phủ đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng NSNN cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...).
Cùng với đó xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Để đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã phát hành 96,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi.
Đồng thời, đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước.
Hoàng Hà