Tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm đạt thấp nhất kể từ năm 2013. |
Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, nhiều giải pháp tiết kiệm chi tiêu và nuôi dưỡng nguồn thu đang được các Bộ, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện.
Tiến độ thu ngân sách thấp nhất kể từ 2013
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013.
Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.
Đến nay ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 6, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149 nghìn đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền được gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng).
Bộ Tài chính cho biết, lý do là khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm 2020.
Trong những tháng còn lại, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, thiên tai mưa bão và các dịch bệnh khác cũng có thể tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
"Song với tinh thần quyết tâm cao nhất, không chủ quan, ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020", Bộ Tài chính cho biết.
Kịch bản bù đắp giảm thu của địa phương
Đáng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, tại một số địa phương đã đưa ra những giải pháp phù hợp, tiết kiệm chi tiêu. Nhờ đó ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ.
Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 143 nghìn tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 31.882 tỷ đồng (đạt 30,9% dự toán); chi thường xuyên thực hiện là 19.357 tỷ đồng (đạt 40% dự toán). Với kết quả thu chi như trên, cân đối ngân sách của TP. Hà Nội được giữ vững, đảm bảo nguồn lực kịp thời cho công tác phòng chống dịch, thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Đáng chú ý, TP. Hà Nội đã chủ động rà soát, đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế; xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách và các nguồn lực bù đắp giảm thu do ảnh hưởng của dịch; đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đồng thời đã cắt giảm chi thường xuyên (đợt 1) là 2.900 tỷ đồng để chủ động thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo cân đối ngân sách” - ông Nguyễn Doãn Toản cho hay.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND cho biết, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nên dù thành phố đã nỗ lực thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ nhưng GDP của thành phố 6 tháng đầu năm chỉ tăng trên 2% (trong khi cùng kỳ tăng tới 7,86%).
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo ông Tuyến, đó là kết quả từ việc đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ năm 2019 là chủ yếu. Sáu tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng (đạt 40,21% so với dự toán) và thực hiện chi hơn 31.349 tỷ đồng (34% dự toán).
"TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giảm thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng để dành cho kiểm soát dịch và các chính sách an sinh xã hội", ông Tuyến cho hay.
Đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu "về đích" thu chi ngân sách trong năm nay, một số địa phương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục nhanh tình hình sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tập trung vào thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu… Ngoài ra tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu, áp dụng chính sách gia hạn thuế nhưng vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ về NSNN. Đồng thời, có kế hoạch thanh tra kiểm tra thuế theo từng ngành đảm bảo chống gian lận thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn.
Thanh Hoa