Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 24/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung một số quy định liên quan đến xoá nợ thuế.
Liên quan đến thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, một số đại biểu đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Minh Tuấn đề nghị "cân nhắc lại có nên để Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa hành thu vừa xóa nợ hay không |
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không nên quy định trường hợp đặc biệt thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mà cần quy định mức trần xóa nợ thuế cho Bộ Trưởng Bộ Tài chính, trên mức trần này do Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ thuế.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tại khoản 1 Điều 87 của dự thảo Luật đã quy định: Đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
"Nội dung này là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành", báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay.
Đối với các trường hợp khác còn lại, Luật Quản lý thuế sửa đổi theo hướng mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục hải quan.
Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.
Riêng các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ.
"Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên", báo cáo nêu .
Góp ý về quy định thẩm quyền xoá nợ, đa số đại biểu không đồng tình với việc thủ trưởng cơ quan thuế và hải quan (bao gồm tổng cục trưởng và các cục trưởng) có quyền xoá nợ vì dễ “phát sinh tiêu cực, dễ tuỳ tiện, tiêu cực, thay vào đó chuyển quyền xoá nợ cho chủ tịch UBND tỉnh” như phát biểu của đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thẩm quyền xóa nợ theo dự thảo có phần nào đó "thiếu khách quan".
Ông cho biết, trước đây, đã có đề xuất để Cục trưởng Cục thuế cũng có thẩm quyền xóa nợ nhưng đã được bỏ ra. Điều này, theo ông, là hợp lý và đề nghị cân nhắc lại có nên để Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa hành thu vừa xóa nợ hay không.
Ngoài ra, ông Tuấn đề nghị giải thích nội dung Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan có thẩm quyền xóa các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ với các khoản từ 10 đến 15 tỷ đồng. Với mức nợ cao hơn, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định xoá nợ.
Đối chiếu, ông lấy ví dụ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ quyết định với mức chi không quá 3 tỷ đồng.
"Tất nhiên, sự so sánh có thể khập khiễng nhưng để thấy, trong xử lý các vấn đề liên quan đến tiền thì bên 3 tỷ đồng, bên 10 tỷ đồng. Tôi thấy có gì đó chưa chuẩn," đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) thì thì lên tiếng cho rằng, cơ quan thuế và Chính phủ không thể được giao quyền xóa nợ.
"Tại sao giao xóa nợ với Chính phủ và cơ quan của Chính phủ, trong khi đây là một nguồn thu vô cùng quan trọng", đại biểu lên tiếng. Từ đó, ông đề nghị bỏ những quy định này trong dự án luật.
Thanh Hoa