Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững phải xác định nhiều yếu tố như: tăng huy động vốn để phục vụ phát triển; lựa chọn chi phí phù hợp, hạn chế rủi ro. Đặc biệt là việc hạn chế các khoản vay nước ngoài để không ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia, trong đó siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ.
Nợ công được kiểm soát chặt chẽ và có xu hướng giảm dần. (Nguồn: Internet) |
Thông tin thêm, ông Hiểu cho biết, cấp bảo lãnh Chính phủ đã được thực hiện chặt chẽ từ đầu bằng những quy định pháp lý, đảm bảo giới hạn nợ vay an toàn và khả năng trả được nợ, không tăng thêm gánh nặng cho nợ công.
Theo đó, việc cấp bảo lãnh Chính phủ được ưu tiên cho các dự án có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua thống kê cho thấy, trong năm 2018, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã huy động thông qua phát trái phiếu được 16.545 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch phát hành năm 2018, với 74,3% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam huy động được 9.670 tỷ đồng, bằng 100% hạn mức phát hành năm 2018, với 71% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đến 31/12/2018, dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của 2 ngân hàng chính sách là 157.738 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cuối năm 2017.
Dữ liệu Bộ Tài chính cung cấp cho biết dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trở nợ trực tiếp của Chính phủ/Thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP...
Mặc dù quy mô danh mục nợ Chính phủ được kiểm soát tốt nhưng cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Cụ thể, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2019; 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019-2021), điều này sẽ tác động đến việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối NSNN.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Thanh Hoa