Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 chiều nay (9/1), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; với quyết tâm cao, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành tài chính |
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong năm 2018, ngành tài chính đã ban hành kế hoạch hành động của ngành với 166 nhiệm vụ và đề án để thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn. Nhờ đó, công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.
Cụ thể, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2018 là 12,63 năm; lãi suất bình quân khoảng 4,67%/năm, giảm 1,31% so với năm 2017 (5,98%). Nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ ngày càng đa dạng hơn, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ 78% cuối năm 2016 giảm xuống còn khoảng 53,1%.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương. Ước tính đến 31/12/2018, dư nợ công dưới 61% GDP, dư nợ Chính phủ dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 49,7% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Về thu NSNN, đến hết 31/12/2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so với dự toán (trong đó thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP).
Thủ tướng trao đổi với cán bộ lãnh đạo ngành tài chính. |
Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chi thường xuyên dưới 62% tổng chi NSNN). Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định; trong đó, ngân sách trung ương đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Xuất cấp trên 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.
Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán.
Trong năm 2019, ngành tài chính phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Phấn đấu cuối năm 2019, dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, khoảng 61,3% GDP. Thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển phù hợp với cân đối NSNN trong từng thời điểm; tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài, kết hợp với việc cơ cấu lại danh mục nợ công.
Thanh Hoa