![]() |
Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế vừa có hiệu lực gây bất lợi cho doanh nghiệp. Ảnh Int |
Chính sách thuế trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) nộp thuế, nhờ đó số tiền thuế thu được tăng lên mỗi năm.
Năm 2020 dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kết quả thu thuế do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia và DN đánh giá chính sách thuế vẫn còn một số bất cập, rào cản và chưa rõ ràng cho DN và là gánh nặng của người dân.
Mới đây, chị Trần Thị Thu H (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, do chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 quá thời hạn 45 ngày, chị vừa nhận được quyết định xử phạt hành chính 1.750.000 đồng của Chi cục Thuế quận Cầu Giấy.
Hay như trường hợp của nhiều giảng viên tại một trường Đại học trên địa bàn TP.HCM bất ngờ bị cơ quan thuế truy thu thuế thu nhập cá nhân sau 6 năm lên đến hàng trăm triệu đồng, bao gồm cả tiền chậm phải nộp và tiền phạt chậm nộp, khiến họ không biết xoay xở ra sao.
Với các trường hợp này, luật sư Nguyễn Minh Tú, công ty Luật Thái An cho rằng, đối với những người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương, cá nhân kinh doanh, tiểu thương, hộ gia đình thì họ cần sự hỗ trợ, tuyên truyền của cơ quan thuế.
“Thiết nghĩ chính sách thuế phải làm sao để gần 7 triệu người có thu nhập từ tiền lương, tiền công đang nộp thuế và gần 5 triệu hộ kinh doanh cảm thấy nộp thuế không phải là gánh nặng. Muốn như vậy chính sách phải minh bạch và phải bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, còn thực hiện phải dễ dàng”, ông Tú nói.
Gần đây nhất, Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế vừa có hiệu lực, trong đó có quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Trường hợp người nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số còn thiếu theo quy định.
Quy định này khiến hàng nghìn DN lo ngại phải đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế khi hiệu quả kinh doanh quý IV tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Trái lại, nếu thực hiện đúng nghị định 126 thì DN bị chiếm dụng vốn.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định này gây bất lợi lớn đối với các DN bất động sản và các DN kinh doanh thương mại, dịch vụ, thường có doanh thu phát sinh đột biến trong quý IV của năm, mà không thể tiên lượng trước trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Bởi lẽ, chỉ cần phát sinh một vài thương vụ ngoài kế hoạch, thì DN có thể vi phạm quy định trên do doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến.
HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế cần xem xét khi hướng dẫn thi hành Nghị định 126 theo hướng có phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu, lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế; hoặc trường hợp không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận, đối với các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành thuế ngày hôm qua (5/1), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của DN, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, vụ việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho DN, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số cán bộ thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN và người dân.
Chẳng hạn, trong năm 2020, một số cán bộ thuế đã bị khởi tố do vòi tiền của DN và người dân. Trường hợp ông Nguyễn Mạnh Nghĩa phó đội trưởng Chi cục Thuế Gia Nghĩa - Đắk G’long vòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa là một ví dụ điển hình.
Để ngăn chặn tình trạng này, Phó Thủ tướng giao một trong những nhiệm vụ của năm 2021 mà ngành thuế phải có giải pháp để chấm dứt tình trạng này. "Thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất", Phó Thủ tướng nói.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu trong năm nay ngành thuế thu đúng, thu đủ, theo đúng quy định, không được ép DN.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ông Dũng cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí và lệ phí đã triển khai năm 2020 tiếp tục thực hiện trong năm 2021. Đặc biệt ngành tài chính xem xét các cơ chế, chính sách thiết thực hơn nhằm hỗ trợ cho hộ kinh doanh trong ngành, lĩnh vực như du lịch, thương mại bị thiệt hại nặng nề do đại dịch.
Thanh Hoa